Rửa tiền thời toàn cầu hóa: Phòng chống

Các nguồn khác nhau đưa ra ước tính mỗi năm bọn tội phạm rửa tiền từ 500-1.000 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và cả an ninh toàn cầu. Để phòng chống, nhà chức trách các nước đã cố gắng thực thi nhiều biện pháp.

Tác hại khôn lường

Những âm mưu rửa tiền trót lọt sẽ khuyến khích bọn tội phạm tiếp tục thực hiện. Điều này có nghĩa sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động phạm pháp như gian lận, biển thủ công quỹ (dẫn đến hàng loạt công nhân bị mất lương hưu khi công ty sụp đổ), ma túy, tội phạm liên quan đến ma túy và cả khủng bố, khiến các nguồn lực thực thi pháp luật bị kéo giãn, còn người làm ăn chân chính chịu thiệt và mất mát niềm tin.

Hậu quả kinh tế xảy ra trên quy mô rộng hơn. Ở các nước đang phát triển, lĩnh vực tài chính mới được tư nhân hóa và chính phủ vẫn trong quá trình xây dựng luật lệ quản lý nên họ dễ trở thành mục tiêu và phải gánh chịu tác động nặng nề của hoạt động rửa tiền thời toàn cầu hóa.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước nhiều ngân hàng ở các nước vùng Baltic đã sụp đổ vì khách hàng lo lắng đến rút hết tiền do nghe tin đồn lan rộng về những khoản tiền bẩn rất lớn gửi vào ngân hàng.

Rửa tiền làm nhà nước thất thu thuế và các doanh nghiệp hợp pháp khó lòng cạnh tranh khi các doanh nghiệp bình phong sẵn sàng bán sản phẩm, dịch vụ thấp hơn giá thành, vì chúng được lập ra để rửa tiền chứ không cần sản sinh lợi nhuận.

Ngoài ra, nguồn tiền bẩn quá lớn đổ vào những lĩnh vực mà bọn rửa tiền thấy ngon ăn sẽ tạo ra nhu cầu và lạm phát giả, dẫn đến những sự điều chỉnh chính sách kinh tế bị sai lệch. Khi quá trình rửa tiền đạt được như mong muốn hoặc khi nhà chức trách bắt đầu chú ý tới, toàn bộ số tiền bẩn sẽ đột nhiên mất tích, kéo theo sự đổ vỡ của các ngành liên quan. Bên cạnh hậu quả kinh tế, rửa tiền còn đi kèm với tác hại về an ninh xã hội.

Hậu quả rửa tiền ma túy kéo theo mối nguy gia tăng buôn bán ma túy và bạo lực băng đảng là điều dễ thấy. Trong lúc đó, mối liên hệ giữa rửa tiền và khủng bố phức tạp hơn. Những kẻ tài trợ cho các tổ chức khủng bố không dại gì ký séc gửi cho thành viên nhóm khủng bố mà gửi tiền đi vòng vèo để giữ kín danh tính.

Bọn khủng bố không sử dụng thẻ tín dụng hay séc để mua vũ khí, vé máy bay hay những phương tiện hỗ trợ khác trong âm mưu khủng bố, thay vào đó, chúng dùng cách rửa tiền để nhà chức trách không thể truy ngược đầu mối và phá hỏng âm mưu của chúng.

Rửa tiền thời toàn cầu hóa: Phòng chống - 1

Điều tra, phòng chống rửa tiền rất cần sự hợp tác toàn cầu

Phòng chống rửa tiền

Cắt ngang 1 trong 3 bước cơ bản của quy trình rửa tiền (xem lại kỳ 1) để phá vỡ âm mưu rửa tiền, trên lý thuyết nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Mỗi ngày có đến cả triệu giao dịch chuyển tiền trên khắp toàn cầu, làm sao theo dõi hết để biết tiền nào bẩn, tiền nào sạch?

Do đó, phòng chống rửa tiền luôn là vấn đề làm đau đầu nhà chức trách khắp nơi trên thế giới. Ở Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất hành tinh - nhà cầm quyền sử dụng 2 công cụ chính để phát hiện và chống lại nạn rửa tiền: pháp luật và thực thi pháp luật.

Trong vô số các luật liên quan, có thể kể tới Luật Bảo mật Ngân hàng (1970) nhằm loại bỏ giao dịch ngân hàng ẩn danh. Theo đó, Bộ Tài chính có quyền buộc các ngân hàng lưu giữ hồ sơ để dễ truy vết hoạt động rửa tiền, các ngân hàng phải báo cáo tất cả giao dịch 1 lần trên 10.000USD hoặc nhiều lần có tổng giá trị trên 10.000USD nhận vào hoặc chuyển đi từ 1 tài khoản trong cùng 1 ngày.

Năm 1986, Luật Kiểm soát rửa tiền ra đời đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền, từ đó rửa tiền đã bị xem là hành vi tội phạm, thay vì chỉ là yếu tố trong toàn bộ một tội ác.

Tiếp đó, Luật Ngăn chặn rửa tiền năm 1994 yêu cầu các ngân hàng phải thành lập lực lượng đặc nhiệm để loại trừ các hoạt động đáng ngờ trong các tổ chức của họ. Luật Ái quốc năm 2001 thiết lập kiểm tra danh tính bắt buộc đối với khách hàng của các ngân hàng Hoa Kỳ, cung cấp các nguồn theo dõi những giao dịch trong hệ thống ngân hàng ngầm thường được bọn khủng bố sử dụng. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi pháp luật cũng tăng cường hành động.

Một trong những thành tích nổi tiếng nhất là chiến dịch Juno. Các điệp viên đã thâm nhập vào thị trường đen giao dịch đồng peso Colombia (xem kỳ 2), sau đó “kéo lưới” vào năm 1999, bắt giữ 40 người cùng với 10 triệu USD tiền ma túy và 3,6 tấn cocaine.

Mặc dù có những chiến thắng nhưng sự thật là không quốc gia riêng lẻ nào đủ sức mạnh để ngăn chặn rửa tiền. Do đó, nâng cao nhận thức và hợp tác toàn cầu là điều cần thiết. Các tổ chức quốc tế nổi bật nhất trong lĩnh vực này bao gồm Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), Liên hiệp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Hình cảnh Quốc tế (Interpol)…

FATF tập hợp 34 quốc gia thành viên và 2 tổ chức quốc tế, đã ban hành “40+9 khuyến nghị” cho các ngân hàng, được xem như tiêu chuẩn chống rửa tiền.

FATF cũng lập danh sách “các quốc gia bất hợp tác” và khuyến cáo các nước thành viên không giao dịch trong các vấn đề tài chính. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng áp lực yêu cầu minh bạch đối với các nước đang áp dụng luật bí mật ngân hàng (được xem như thiên đường của những kẻ trốn thuế, rửa tiền).

Ngay cả ngân hàng Thụy Sĩ vốn nổi danh kín tiếng cũng phải nhượng bộ khi chấp nhận cung cấp cho nhà chức trách Hoa Kỳ danh sách hơn 4.000 tài khoản bị nghi ngờ trốn thuế trong đại gia ngân hàng UBS, đồng thời cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước trong việc phòng chống trốn thuế và rửa tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trúc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN