Rà soát lại các khái niệm mua bán nợ để tạo sự bình đẳng
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các khái niệm về mua bán nợ, nhất là khái niệm kinh doanh mua bán nợ để tách bạch hoạt động mua nợ để bán với việc mua bán nợ để tái cấu trúc khoản nợ và doanh nghiệp.
Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp cho ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được tổ chức vào chiều 25.5, do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp mua bán nợ trong nước.
Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định đầu tư kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là cần thiết trong bối cảnh từ ngày 1.7 tới, Chính phủ phải công bố điều kiện kinh doanh cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Sau khi nghe góp ý từ các bộ ngành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định việc xây dựng nghị định này là khó khăn khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh mua bán nợ và đồng tình với việc dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư (sửa đổi).
Theo đó, Phó thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các khái niệm về mua bán nợ, nhất là khái niệm kinh doanh mua bán nợ để tách bạch hoạt động mua nợ để bán với việc mua bán nợ để tái cấu trúc khoản nợ và doanh nghiệp.
Đồng thời, cần rà soát để quy định khả thi về vốn điều lệ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán, tư vấn và môi giới mua bán nợ, trách nhiệm điều hành hoạt động của sàn giao dịch nợ.
Phó thủ tướng yêu cầu tinh thần xây dựng nghị định này không được trái với các quy định của Hiến pháp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đồng thời không tạo ra phân biệt đối xử với các tổ chức kinh doanh mua bán nợ trong nước và nước ngoài trừ các quy định đặc thù như mua bán nợ bằng trái phiếu, đặc biệt của VAMC.
“Một khi đã tham gia thị trường chung kinh doanh dịch vụ mua bán nợ này thì tất cả phải tuân thủ quy định, kể cả VAMC và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC)”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ mua bán nợ; giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì việc sửa đổi Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có quy định xử phạt khi vi phạm kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được thực hiện trên lãnh thổ của Việt Nam, không áp dụng với các hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hoạt động mua bán nợ là trái phiếu của doanh nghiệp được chào bán ra công chúng; hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC…
Nghị định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ phải đảm bảo là sân chơi chung, bình đẳng của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này.
Đối tượng áp dụng Nghị định là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; tổ chức cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Tổ chức (trừ doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu thực hiện hoạt động mua bán nợ thường xuyên, liên tục và nhằm mục đích sinh lời phải thành lập doanh nghiệp để thực hiện. Theo đó, tổ chức (trừ doanh nghiệp), cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ quy định tại nghị định này thì được thực hiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ mà không cần phải cấp phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức, cá nhân được mua, bán nợ nhưng không phải là hoạt động thường xuyên liên tục thì thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Dự kiến, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định để kịp trình Chính phủ thảo luận, cho ý kiến vào phiên họp Chính phủ tháng 5 này.