Quyết định chưa từng có trong lịch sử Bộ Công Thương
Ngày 20-9, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã kí quyết định ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018.
Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ được đề xuất cắt giảm. Đây là số điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương, chiếm tới 55,5% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện hành.
Các điều kiện này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực an toàn thực phẩm, kinh doanh khí, bia, rượu, điện lực, thương mại điện tử,… Trong số đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm chiếm số lượng rất lớn.
Cụ thể các điều kiện thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ được bãi bỏ như hướng gió của hệ thống thông gió phải bảo đảm không được thổi từ khu vực có nguy cơ ô nhiễm sang khu vực có yêu cầu sạch; Bóng đèn chiếu sáng phải được che chắn an toàn bằng hộp, lưới để tránh bị vỡ và bảo đảm mảnh vỡ không rơi vào thực phẩm; Xưởng sản xuất thực phẩm phải có đủ bồn rửa tay cho người lao động; Không sử dụng thuốc, động vật để diệt chuột, côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất thực phẩm,…
Đối với kinh doanh khí, Bộ Công Thương đề xuất bỏ điều kiện đối với xuất khẩu, nhập khẩu khí: Có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 thuộc sở hữu thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc thuê của thương nhân kinh doanh khí tối thiểu 1 năm để tiếp nhận LPG từ tầu hoặc phương tiện vận chuyển khác.
Có số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 3,9 triệu lít;…
Bỏ điều kiện đối với thương nhân phân phối khí: Có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3 thuộc sở hữu của thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu một (01) năm của thương nhân kinh doanh khí; Có số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 2,6 triệu lít,…
Kinh doanh gas được cởi trói
Theo Bộ Công Thương, các điều kiện kinh doanh thuộc các quy định trong Thông tư sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương. Còn các điều kiện kinh doanh thuộc Nghị định thì Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành.
Bộ Công Thương đánh giá, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Tinh thần của Bộ Công Thương là tiếp tục rà soát để giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả trước thông quan và sau thông quan. Với các mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra, Bộ sẽ tăng cường hình thức hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.