Quỹ tiết kiệm nhà ở: Khó khả thi

Trước thông tin Bộ Xây dựng trình Chính phủ về đề án xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở, đại diện một số doanh nghiệp lo ngại tính khả thi của đề án khi mà người thu nhập thấp cần đóng góp 30% tổng số tiền dự kiến mua nhà, trước khi được vay thêm số tiền còn lại.

Tại tờ trình này, Bộ Xây dựng quy định phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến để mua, thuê mua nhà ở xã với mức tối thiểu trong thời gian 5 năm thì cá nhân hoặc hộ gia đình sẽ được vay tiền từ quỹ này để mua nhà. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5 - 8,5%.

Như vậy, với mức giá thấp nhất của căn hộ hiện nay là gần 1 tỉ đồng, để đóng khoảng 30% giá trị tiền mua căn hộ, trong vòng 5 năm người tham gia sẽ phải đóng khoảng 300 triệu đồng, tính ra mỗi tháng sẽ phải đóng khoảng 5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng điều khó khả thi là ở mức đóng khoảng 5 triệu đồng/tháng. “Muốn có nhà thì phải là thu nhập khá chứ không phải thu nhập thấp được, tức là mỗi tháng người tham gia đóng 5 triệu đồng thì thu nhập ít nhất phải là 10 triệu đồng. Lao động có thu nhập thấp sẽ phải chấp nhận ở nhà thuê, khi mà 95% mức lương đổ dồn vào ăn mặc đi lại và thuê nhà”, ông Đực nói.

Theo phân tích của đại diện một số doanh nghiệp, nếu có những căn hộ với giá khoảng 500 triệu đồng thì trong vòng 5 năm, người tham gia phải đóng số tiền khoảng trên 160 triệu đồng, tính ra mỗi tháng sẽ phải đóng góp một khoản tiền khoảng trên 2,5 triệu đồng. Với mức này, một số đối tượng có thu nhập từ 5 tới 7 triệu đồng mỗi tháng mới có thể có cơ hội sở hữu nhà ở.

Như vậy, đề án quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ khả thi hơn nếu có điều kiện kèm theo là Bộ Xây dựng cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ với giá bán chỉ vài trăm triệu đồng.

Đại diện của Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, việc chia quỹ tiết kiệm nhà ở thành hai mô hình áp dụng cho những nhóm đối tượng khác nhau khiến hình thức trở nên rườm rà (xem box bên dưới). Thay vì chia thành hai mô hình như Bộ Xây dựng đề xuất, nên thành lập một quỹ chung với tên gọi Quỹ tiết kiệm nhà ở với nhiều gói áp dụng cho từng đối tượng khác nhau để tránh nhầm lẫn và gây khó hiểu.

Cùng trong một quỹ tiết kiệm nhà ở, người có thu nhập thấp nếu có nhu cầu có thể dự kiến vay khoảng vài trăm triệu đồng để mua nhà, người có thu nhập khá hơn có thể dự kiến vay tới con số tiền tỉ. Và mỗi đối tượng khác nhau sẽ áp dụng những gói cho vay khác nhau với những quy định chung của quỹ.

Mới đây, Bộ Xây dựng có tờ trình Thủ tướng đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở triển khai dưới hai mô hình. Mô hình thứ nhất là Quỹ Tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội và doanh nghiệp trong nước vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Nguồn vốn quỹ hình thành từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở (bao gồm tối thiểu 10% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, ngân sách địa phương); lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết... Hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc.

Với điều kiện phải đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến để mua, thuê mua nhà ở xã với mức tối thiểu trong thời gian 5 năm, cá nhân hoặc hộ gia đình sẽ được vay tiền từ quỹ này để mua nhà. Mức tiền được vay thêm tối đa bằng 2 lần tổng số tiền đã đóng vào quỹ. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất cho vay trong khoảng 6,5- 8,5%.

Đối với những người tham gia không có nhu cầu vay để tạo lập hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì sẽ được quỹ thanh toán cả gốc và lãi nhưng mức lãi suất được hưởng sẽ cao hơn lãi suất huy động ban đầu là 2% mỗi năm.

Đối với doanh nghiệp, số tiền được vay tối đa bằng 50% tổng số vốn đầu tư xây lắp của dự án nhà ở xã hội (bao gồm cả chi phí trang thiết bị của nhà ở đó) với điều kiện dự án xây dựng nhà ở xã hội mà doanh nghiệp đầu tư đã có thiết kế kỹ thuật của dự án và được phê duyệt.

Mô hình thứ hai là hai thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở để cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay. Việc huy động vốn, cơ chế cho vay, tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguyên tắc hoạt động của Quỹ tiết kiệm nhà ở này do Thủ tướng quyết định.

Bộ Xây dựng đề xuất giao UBND thành phố Hà Nội và UBND TPHCM thành lập 2 mô hình tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập thấp và cá nhân, hộ gia đình khác nhu cầu mua nhà ở thương mại.

Dự kiến, quỹ sẽ vận hành từ đầu năm 2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thoa Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN