Quỹ Tiền tệ Quốc tế: Năm 2015, tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc vừa công bố cũng cảnh báo rằng các yếu tố địa chính trị, như xung đột ở Ukraine và dịch bệnh Ebola ở Tây Phi là những rào cản đối với tốc độ phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Bản báo cáo có tựa đề “Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới năm 2015” dự báo nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 3,1%.
IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 năm 2015 và 2016, đồng thời cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm bất chấp giá dầu sụt giảm và sự khởi sắc của kinh tế Mỹ.
Một người đàn ông Trung Quốc trầm ngâm trước bảng hiệu các chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc sụt giảm. CNN
IMF cho rằng, nguyên nhân một phần do sự kéo lùi của các nền kinh tế mới nổi đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại như Trung Quốc. Hiện nước này được dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm nay, giảm 0,3% so với dự báo trước đó, và tiếp tục giảm xuống chỉ còn 6,3% trong năm 2016. IMF cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia châu Á khác, khiến triển vọng kinh tế của khu vực này cũng không mấy sáng sủa.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến IMF hạ dự báo là các biện pháp kích thích kinh tế ở Nhật Bản không đạt hiệu quả, trong khi kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm kéo dài và lạm phát thấp do đầu tư suy yếu và xuất khẩu sang các thị trường mới nổi giảm.
Theo IMF, Nga dự kiến sẽ là một trong những quốc gia ảnh hưởng nặng nhất, với tốc độ tăng trưởng âm 3% trong năm nay, và đạt 1% trong năm 2016. Tuy nhiên, IMF cho rằng tăng trưởng có thể mạnh hơn dự báo nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu.
Trước triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, báo cáo của IMF khuyến cáo các nền kinh tế lớn như châu Âu và Nhật Bản cần tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất thấp để khuyến khích vay mượn, chi tiêu và tăng trưởng. IMF cũng hối thúc các nước, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi, tiến hành một loạt cải cách mang tính cơ cấu, trong đó cần tận dụng việc giá dầu lao dốc để cắt giảm các chương trình trợ cấp nhằm củng cố ngân quỹ quốc gia trong dài hạn.