Quản lý ngoại hối: Tránh gây sốc cho dân
Hôm qua (13-12), UBTVQH cho ý kiến về Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh ngoại hối. Một số ý kiến phát biểu cho rằng cần thận trọng, không gây sốc cho dân.
Thẩm tra Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh ngoại hối, Ủy ban Kinh tế cho biết: Pháp lệnh sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngoại hối.
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. (Điều 22, Dự thảo) |
Việc hạn chế sử dụng ngoại hối được quy định tại điều 22, khoản 13, Điều 1 (dự thảo). Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế tán thành cần tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất để giải quyết tình trạng “đôla hóa”, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán. “Ủy ban tán thành với quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trong dự thảo Pháp lệnh” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.
Liên quan đến quy định quản lý vàng, đa số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế đồng tình – giữ nguyên quy định như dự thảo (Pháp lệnh ngoại hối chỉ điều chỉnh vàng là ngoại hối, tức vàng do NHNN quản lý trong dự trữ ngoại hối nhà nước, không điều chỉnh vàng miếng trên thị trường).
“Việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng được thực hiện theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác (hiện nay thực hiện theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP)” – Ông Giàu cho biết.
Ngoài ra, nhiều ý kiến tại Ủy ban Kinh tế cũng tán thành với định hướng ngoại tệ của Nhà nước, từ tất cả các nguồn khác nhau, cần tập trung để NHNN quản lý.
Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi sẽ siết quản lý ngoại hối.
Tránh gây sốc
Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, có phạm vi ảnh hưởng lớn, có thể tác động đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế.
“Phản ứng của những đối tượng này sẽ có tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng gây ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hằng năm.
Đây là vấn đề lớn xin báo cáo UBTVQH thảo luận và cho ý kiến” – Ông Giàu nói. Tại phiên họp, có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn với những quy định mới về quản lý ngoại hối và lo ngại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lưu ý “cần thận trọng, vì nếu không cẩn thận, sẽ tạo cú sốc trong dân”. “Sửa pháp lệnh này, một mặt xử lý bất cập quản lý ngoại hối nhưng phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Nếu không tính đến sẽ gây sốc cho nhân dân” – Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình giải đáp thêm, trên thực tế các nội dung sửa đổi đã triển khai thời gian qua, bằng những văn bản khác nhau. Tuy nhiên, sẽ phải rà soát, không để ảnh hưởng đến quyền của người dân.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, thực hiện chủ trương, nhưng cần tôn trọng quyền sở hữu về tài sản của công dân. Theo ông, không thể hạn chế việc dự trữ, cất trữ ngoại tệ trong dân. “Chỉ khi kinh doanh, lưu thông thì mới phải tuân theo pháp lệnh này. Vì nếu quản chặt quá, sẽ ảnh hưởng thu hút nguồn ngoại tệ trong dân, ảnh hưởng quyền của công dân” – Ông Lưu lưu ý.
Theo tờ trình Chính phủ, năm 2013 tổng kinh phí bố trí cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu là 248,3 tỷ đồng; chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường là 131 tỷ đồng (giảm 13 tỷ đồng so với năm 2012). Thảo luận tại UBTVQH, một số ý kiến cho rằng, ngân sách dành cho hai chương trình thấp nhưng việc bố trí vốn chưa trọng tâm, còn dàn trải. UBTVQH thống nhất quan điểm cần lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư; và trước mắt cần xây dựng mô hình thí điểm để triển khai nhân rộng, thay vì cách làm dàn trải. |