PVN đem hàng ngàn tỉ đồng đầu tư ngoài ngành

Theo đề án tái cơ cấu, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam sẽ hoàn tất thoái vốn trong năm 2015

Số vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) lên tới hàng ngàn tỉ đồng, trong đó tập trung chủ yếu vào 2 ngân hàng (NH) là NH  TMCP Đại Dương (OceanBank) và NH TMCP Đại chúng (PVCombank) khoảng trên 5.000 tỉ đồng.

Gấp rút thu hõi vốn

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Công Thương cho biết PVN đang thực hiện các thủ tục để chuyển giao phần vốn góp tại PVComBank cho NH Nhà nước quản lý. Dự kiến, việc chuyển giao phần góp vốn này sẽ hoàn thành trong năm 2015 với số tiền 4.680 tỉ đồng. Còn số vốn góp 800 tỉ đồng tại OceanBank đã thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của NH Nhà nước.

PVN đem hàng ngàn tỉ đồng đầu tư ngoài ngành - 1

Cơ quan công an khám xét nhà ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Đề án tái cơ cấu PVN được cấp thẩm quyền phê duyệt dự kiến hoàn tất việc thoái vốn trong năm 2015. Cụ thể, PVN đang triển khai các thủ tục thoái vốn tại Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng dầu khí Việt Nam (PV EIC), Công ty Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI), Công ty Bất động sản Dầu khí (SSG) và Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong năm 2015 với số thoái vốn theo mệnh giá là 295,65 tỉ đồng.

Cũng theo đề án tái cơ cấu, giai đoạn 2012-2015, PVN sẽ phải bán bớt phần vốn hiện có của Tổng Công ty CP Vận tải Dầu  khí (PVT), PV EIC, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PV Constructions) và Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PV Tex) để giảm tỉ lệ sở hữu xuống 36%, giảm tỉ lệ sở hữu tại PVI xuống 35%. Đồng thời, PVN sẽ thoái hết vốn tại Công ty CP Phát triển Đông Dương Xanh và PVFI. PVN sẽ thực hiện cổ phần hóa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (sở hữu 75% cổ phần), Đạm Cà Mau (sở hữu 51%) và Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (sở hữu 36%).

Tháng 6 vừa qua, PVN đã đăng ký bán 13 triệu cổ phiếu Đạm Cà Mau (DCM), chiếm 24,36% cổ phiếu cho đối tác chiến lược, giảm tỉ lệ sở hữu từ 73,1% xuống 51%; đăng ký bán bớt gần 1,2 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 83,1 triệu cổ phiếu PVI nắm giữ (tương đương 36,93% vốn điều lệ PVI); đăng ký bán hơn 14,1 triệu cổ phiếu PVX của PVC. Hiện tại, PVN đang nắm 218.173.333 cổ phiếu, tương đương với 54,54% vốn điều lệ PVX. Giá cổ phiếu PVI đang được giao dịch quanh mức 2.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu PVX có giá khoảng 3.800 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, ước tính PVN sẽ thu về tổng số tiền khoảng 80 tỉ đồng từ 2 giao dịch này.

Giai đoạn sau năm 2015, PVN đặt kế hoạch thoái toàn bộ 35,2% cổ phần tại Petrosetco (PET); tiến hành cổ phần hóa Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV Oil và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power; tỉ lệ sở hữu dự kiến của PVN sau cổ phần hóa là 75%.

Phải làm rõ sai phạm

Về việc nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 21-7 phải chịu trách nhiệm thế nào về số vốn góp của PVN vào Oceanbank, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm: Cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ sai phạm cụ thể và trách nhiệm của cá nhân, tập thể nào. “Trước hết là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (PVN) đầu tư vào OceanBank, cùng với đó là trách nhiệm giám sát. Vì vậy, sai phạm đến đâu và ai là người chịu trách nhiệm chính sẽ được cơ quan chức năng làm rõ” - ông Kiên nói.

Theo ông Kiên, một số ý kiến cho rằng nếu PVN thoái vốn ở OceanBank từ 1 năm trước thì sẽ không có nguy cơ mất vốn là không chính xác bởi NH Nhà nước đã có thông báo rõ NH Nhà nước trở thành chủ ở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu. Trước đó, NH Nhà nước  đã đặt OceanBank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt để kiểm soát rủi ro, giảm thiểu tổn thất tài sản tại NH. “Như vậy, sai phạm không phải là ngày một, ngày hai” - ông Kiên bình luận.

Cũng vấn đề này, trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhìn nhận trách nhiệm của ông Nguyễn Xuân Sơn đến đâu còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. “PVN góp vốn đầu tư vào OceanBank 800 tỉ đồng và có khả năng mất vốn. Tôi cho rằng cần làm rõ cương vị đại diện vốn nhà nước có trách nhiệm đến đâu, ông Sơn có vai trò gì trong quyết định đầu tư hoặc ai là người đồng ý cho đầu tư… thì mới có thể quy trách nhiệm và định tội trạng một cách công bằng” - ông Thành nói.

Đây là bài học đau đớn!

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho rằng từ trường hợp Nguyễn Xuân Sơn và Giang Kim Đạt,  cần xem lại cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ. “Đây là bài học đau đớn, xương máu. Nếu trước khi đề bạt, bổ nhiệm hay luân chuyển cán bộ, những người làm công tác tổ chức cán bộ, đơn vị có chức năng nhiệm vụ thanh kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ làm tốt công tác này và làm thường xuyên hơn thì chắc chắn sẽ hạn chế được các bài học đau đớn này”- ông Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN