Phụ nữ ít có cơ hội việc làm hơn nam giới
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, tuy nhiên những số liệu mới cập nhật của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Tổ chức Lao động Quốc tế công bố khảo sát về tình trạng việc làm dành cho nữ giới trong việc tham gia thị trường lao động trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của ILO, phụ nữ ít có cơ hội tham gia vào thị trường lao động và có nhiều nguy cơ thất nghiệp hơn nam giới ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới.
8 lao động nữ/10 lao động nam
Theo đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trên toàn cầu ở mức 48,5% năm 2018, thấp hơn 26,5 điểm phần trăm so với nam giới. Cùng đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu của phụ nữ năm 2018 là 6% cao hơn tỷ lệ này của nam giới khoảng 0,8 điểm phần trăm. Tóm lại, chỉ có sáu lao động nữ trên mười lao động nam có việc làm.
Bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc ILO phụ trách chính sách đánh giá: “Triển vọng về việc làm của phụ nữ còn rất lâu mới có thể bình đẳng so với nam giới dù cho đã đạt được nhiều tiến bộ và có nhiều cam kết cải thiện hơn nữa tình trạng này”.
Ngoài ra, báo cáo này cũng cho thấy có sự khác biệt đáng kể, phụ thuộc vào mức độ giàu có của các quốc gia.
Chẳng hạn, sự chênh lệch trong tỷ lệ thất nghiệp giữa phụ nữ và nam giới ở các nước phát triển tương đối nhỏ. Cụ thể tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ ở Đông Âu và Bắc Mỹ thậm chí còn thấp hơn so với nam giới.
Ngược lại, ở các khu vực như các quốc gia Ả-rập và Bắc Phi, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ vẫn cao gấp đôi nam giới do những định kiến xã hội tiếp tục cản trở phụ nữ tham gia vào những công việc được trả lương.
Theo kết quả nghiên cứu của ILO, phụ nữ ít có cơ hội tham gia vào thị trường lao động và có nhiều nguy cơ thất nghiệp hơn nam giới ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Ảnh: P.ĐIỀN
Phụ nữ ít ở vị trí quản lý
Đáng chú ý, phụ nữ phải đối mặt với những khoảng cách đáng kể về chất lượng việc làm. Chẳng hạn, khả năng phụ nữ làm lao động gia đình vẫn cao gấp đôi so với nam giới.
Điều này có nghĩa là họ tham gia công việc kinh doanh gia đình theo định hướng thị trường nhưng thường đối diện với những điều kiện làm việc dễ bị tổn thương, không có hợp đồng bằng văn bản, thiếu sự tôn trọng pháp luật lao động và không có các thỏa ước lao động tập thể.
Trong khi ở các nước mới nổi, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công việc gia đình đã giảm trong thập kỷ qua, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao ở các nước đang phát triển, ở mức 42% trong tổng số việc làm của phụ nữ năm 2018, so với mức 20% trong tổng số việc làm của nam giới và không có dấu hiệu cải thiện cho đến năm 2021.
ILO đánh giá, phụ nữ vẫn chiếm phần đông trong việc làm phi chính thức ở các nước đang phát triển. Ảnh: P.ĐIỀN
ILO phân tích, số lượng nam giới làm việc ở vị trí người sử dụng lao động cao gấp bốn lần phụ nữ năm 2018 trên toàn cầu. Những khoảng cách giới như vậy cũng được phản ánh ở các vị trí quản lý, theo đó phụ nữ tiếp tục đối mặt với những rào cản của thị trường lao động khi tiếp cận các vị trí quản lý.
“Những thách thức và trở ngại dai dẳng đối với phụ nữ sẽ làm giảm khả năng các xã hội xây dựng lộ trình tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển xã hội. Do đó, xóa bỏ khoảng cách giới trong thế giới việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030”, ông Damian Grimshaw, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của ILO, kết luận.
Bất bình đẳng về giới tại thị trường lao động Việt Nam Sự phân biệt giới tại thị trường lao động Việt Nam không rõ rệt như ở các khu vực khác và ở cấp khu vực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách trong cả vấn đề tiếp cận thị trường lao động và chất lượng việc làm. Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm quốc gia mới nhất (2016) cho thấy tỷ lệ nữ giới có việc làm thấp hơn 9% so với nam giới (71% so với 80,6%). Ở cấp quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới khá tương đồng so với nam giới, duy trì ở mức thấp 2,2% (so với tỷ lệ 2,4% của nam giới), trong đó mức độ thất nghiệp của phụ nữ trẻ cao hơn một chút so với nam giới (lần lượt là 7,5% và 7,38%). Khoảng cách về giới đặc biệt rõ nét khi xét về khía cạnh loại hình công việc. Nhiều phụ nữ phải làm những công việc dễ bị tổn thương (thường không ổn định và ít có bảo hiểm xã hội) hơn so với nam giới. Trong năm 2016, tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương ở nữ giới cao hơn nam giới tới 12,4%. Trong nhóm lao động làm công ăn lương, thu nhập từ việc làm hàng tháng trung bình của nam giới cao hơn phụ nữ 10,7% (5,3 triệu đồng so với 4,7 triệu đồng). Nguồn ILO |