Phong thủy đỡ bất động sản
Sau mấy năm phất lên nhờ đầu cơ vàng, Phan Hoàng Giang, một người kinh doanh nhà hàng đã tậu miếng đất ở Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức để xây biệt thự.
Bản vẽ ngôi biệt thự đã được một công ty thiết kế cho anh, rất hợp ý. Nhưng chỉ ít ngày sau, không biết ai mách bảo, vợ Giang dắt về một ông lão râu tóc bạc phơ với ánh mắt vô cùng bí hiểm. Chị vợ thì thào với Giang rằng phải lễ độ, bởi đó là một thầy phong thủy cực kỳ cao tay, nói đâu đúng đó. Và cái gì đến cũng đến, đồ án thiết kế căn biệt thự mà anh rất ưng ý bị xé bỏ trong sự kính cẩn đầy run sợ của cả hai vợ chồng.
Theo lý giải của ông thầy, ngôi nhà được thiết kế theo hướng Đông Nam, không hợp tuổi Tân Sửu của chủ nhân. Giường ngủ của gia chủ hướng Tây Bắc - Đông Nam lại có 2 cửa sổ đối diện nhau chạy thẳng qua người. Như vậy là rất nguy hiểm.
Dự án khoe phong thủy
Không chỉ những gia đình như nhà anh Giang, các chủ đầu tư cũng rất quan tâm tới yếu tố phong thủy. Nhiều chủ đầu tư trước khi xây dựng dự án cũng thường xem xét yếu tố phong thủy. Trước khi chọn vị trí, chủ đầu tư dự án nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng ở Đồng Nai đã chi hàng ngàn USD mời một thầy phong thủy ở Đài Loan đến để xem khu đất.
Nhiều chủ đầu tư cố khoe yếu tố phong thủy của dự án để thu hút khách. Dự án căn hộ nghỉ dưỡng Ocean Vllila (Phan Thiết) khoe địa thế ỷ sơn, hướng hải (lưng tựa núi, mặt hướng biển). Dự án Oceanami (Vũng Tàu) nhấn mạnh hướng tả thanh long, hữu bạch hổ (bên trái là rồng, bên phải là hổ). Theo những lời quảng cáo đầy long trọng của bên bán thì yếu tố phong thủy có thể mang lại cuộc sống hưng thịnh và tài lộc cho chủ nhà.
Gặp các thầy phong thủy, các thầy đều quả quyết rằng một tòa nhà, một khu đô thị hay khu thương mại tốt dứt khoát phải tọa lạc ở khu đất tốt và có hình thái, kích thước hợp lý.
Bên cạnh phong thủy theo địa thế, phong thủy theo thiết kế cũng đang được coi trọng. Theo kiến trúc sư Trần Song Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Kiến trúc DP, yếu tố phong thủy cũng được tính đến và áp dụng trong quá trình thiết kế công trình. Chẳng hạn lối đi vào được mở rộng ra, làm dịu không gian bên trong. Những yếu tố nhỏ khác như thiết kế phòng bếp, phòng ăn, màu sơn cũng đều mang dấu ấn phong thủy.
Ông Sơn cho rằng, tùy theo mảnh đất mà sẽ có những thiết kế để phù hợp phong thủy. Dự án Carillon ở quận Tân Bình (TP.HCM) do Công ty May Tiến Phát làm chủ đầu tư là một ví dụ. Vì miếng đất không được vuông vắn, công ty của ông đã thử rất nhiều mẫu mới chọn ra thiết kế theo hình chữ H để có thể tạo ra phong thủy tốt nhất. Theo ông Sơn, do hình thể của dự án giống chữ H nên tất cả các căn hộ đều tiếp xúc tối đa với nắng, gió, mở tầm nhìn ra cảnh quan xung quanh, vừa giúp tiết kiệm năng lượng, vừa mang lại cảm giác thoải mái cho người sinh sống nơi đây. Thiết kế kiểu này khắc phục được nhược điểm phố hẹp và đường ô vuông do ảnh hưởng đặc thù của khu dân cư hiện hữu.
Theo ông Sơn, các ngân hàng cũng được xây dựng với sự tính toán về phong thủy khá kỹ. Các ngân hàng ngày xưa thường xây phần ngoài bằng đá cứng, chắc và trang trí theo phong cách cổ điển để ngụy trang thành khí vận Kim. Đây là khí vận của một pháo đài cứng và vững như bàn thạch. Ở Việt Nam, tiêu biểu nhất là tòa nhà của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hình thái này như ngụ ý tiền gửi của bạn sẽ an toàn và chúng tôi không dễ thay đổi.
Nhưng ngày nay, để tăng cường mức độ giao dịch với khách hàng, nhiều ngân hàng đã mở rộng các loại hình dịch vụ và tăng số lượng quầy giao dịch cũng như cư xử niềm nở với khách. Cả cảnh quan bên ngoài hay nội thất bên trong ngân hàng đều toát lên tính mềm dẻo nhằm biến đổi khí Kim đầy quyền uy thành không gian rộng mở của khí Thủy.
Tầm long
Với những dự án lớn, chủ đầu tư thường đi tìm long mạch khu đất trước khi xây dựng. Mạch là chỉ lực âm dương vận động trong lòng đất. Mạch đất được gọi là long mạch. Việc tìm mạch đất gọi là tầm long.
Tầm long tróc mạch xưa nay thường gắn với những giai thoại phong thủy khi gia chủ cậy nhờ tới thầy cao tay để tìm một khu vực có thể giúp con cháu được thịnh vượng. Những câu chuyện phong thủy còn được biết đến khi những vị vua anh minh mời các vị học giả ưu tú về phong thủy, địa lý tầm long tróc mạch để tìm cho đất nước, dân tộc mình nơi định đô muôn đời.
Những giai thoại này có thể chỉ là giai thoại. Nhưng ngày nay, chuyện khu vực nào có long mạch tốt vẫn được cả chủ đầu tư lẫn khách hàng quan tâm. Khoảng 2 năm trước, một số nhà tư vấn, quy hoạch kiến trúc cho rằng nên chuyển Trung tâm Hành chính Quốc gia về Ba Vì. Họ tin Ba Vì là long mạch, với địa thế lưng tựa vào núi Ba Vì, mặt hướng ra hồ Đồng Mô. Những thông tin này đã góp phần khiến thị trường bất động sản tại Ba Vì sốt một thời gian.
Tại TP.HCM, khu bờ Đông sông Sài Gòn với trọng tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) được xem là vùng đất chân long chính mạch theo thuật phong thủy. Nằm ở vị trí được dòng sông Sài Gòn ôm lấy, tức là được dòng sông bao bọc, che chở 2, 3 mặt, Thủ Thiêm có thể trở nên phồn thịnh và sung túc đến cực độ khó có nơi nào có thể sánh được. Có thông tin đồn rằng, một số chủ đầu tư đang tìm những vị trí có thể là long huyệt trên đảo Thủ Thiêm để xây dựng dự án.
Sự thật về long mạch trên bán đảo Thủ Thiêm chưa rõ thực hư thế nào, ngoại trừ các thầy phong thủy. Nhưng biết đâu, một thời gian nữa, thị trường bất động sản TP.HCM có thể sẽ ấm lại khi những dự án nằm trên long mạch hay trên long huyệt được công bố.
Có lẽ, giờ phải mở rộng quan hệ, làm quen với vài thầy phong thủy cao tay. Biết đâu..