Phố Wall khép tháng 5 u ám nhất từ 2010
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm nhưng biên độ đã được rút ngắn. Trong suốt tháng qua, bão nợ công châu Âu đã liên tục dồn sóng đe dọa các thị trường toàn cầu, đẩy các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Mỹ tuột dốc mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch đêm 31/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 26,41 điểm, tương ứng 0,21%, xuống còn 12.393,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,99 điểm, tương ứng 0,23%, còn 1.310,33 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 10,02 điểm, tương ứng 0,35%, xuống còn 2.827,34 điểm.
Tính chung cả tháng 5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 6,2%. Chỉ số Nasdaq hạ 7,2%. Riêng chỉ số S&P 500 giảm 6,3%, mức mạnh nhất kể từ tháng 9/2011 tới nay.
Phiên hôm qua, thị trường đón nhận tin cho thấy việc tuyển dụng trong lĩnh vực tư nhân chỉ cải thiện nhẹ, trong khi số người lần đầu xin trợ cấp thất nghiệp tăng tuần thứ 7 trong 8 tuần qua khiến nhà đầu tư lo lắng trước thềm báo cáo việc làm tháng 5 chính thức được công bố trong ngày hôm nay (giờ Mỹ).
Cũng trong ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu điều chỉnh cho thấy, tăng trưởng GDP quý 1 của Mỹ chỉ đạt 1,9%, thấp hơn so với con số công bố ban đầu là 2,2%. Những thông tin yếu kém của nền kinh tế Mỹ đã khiến thị trường trở nên u ám hơn và những dự đoán về QE3 một lần nữa tăng trở lại.
Tuy nhiên, thông tin về các kế hoạch hỗ trợ Tây Ban Nha và hệ thống ngân hàng nước này đã giúp chặn đứng đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ. Đây cũng là tác nhân chính dẫn tới sự lao dốc gần đây của các sàn chứng khoán toàn cầu. Giới phân tích tin rằng Tây Ban Nha sớm phải cầu viện bên ngoài.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường tăng mạnh. Khoảng 8 tỷ cổ phiếu đã được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, cao hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,83 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Tỷ lệ mã giảm/ tăng tại sàn New York là 1.552/ 1.430 cổ phiếu.