Phó Phòng Tài chính huyện chiếm đất dân

Sau khi sang nhượng, vị phó phòng cho người san ủi đất lúa, lấy luôn một mảnh đất của dân để trồng cao su.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa có công văn gửi UBND huyện Đức Linh, yêu cầu xử lý vi phạm về việc sử dụng đất sai mục đích đối với ông Nguyễn Văn Quý, Phó phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đức Linh. Tỉnh cũng yêu cầu công khai việc xử lý kỷ luật ông Quý và yêu cầu ông Quý phải bồi thường thiệt hại cho người dân mà ông Quý đã ngang nhiên chiếm đất trái pháp luật hơn bốn năm qua.

Năm 2009, sau khi sang nhượng thêm đất các hộ dân, ông Quý tổ chức san ủi hơn 20 ha (phần lớn là đất trồng lúa nước) ở khu vực thị trấn Đức Tài (Đức Linh) để trồng cao su. Trong phần đất san ủi này có 1.200 m2 đất trồng lúa của gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở KP 5, thị trấn Đức Tài.

Phó Phòng Tài chính huyện chiếm đất dân - 1

Mặc dù ông Thanh phản đối quyết liệt bởi thửa đất trên gia đình ông đang canh tác, được cấp giấy đỏ từ năm 1996 nhưng ông Quý vẫn cho người san ủi diện tích đất trên. Bức xúc vì bị ngang nhiên lấy đất trắng trợn như vậy nên ông Thanh làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng của huyện. Tuy nhiên, không hiểu sao một vụ việc đã quá rõ ràng nhưng đơn tố cáo của ông Thanh lại bị kéo dài nhiều năm liền. Đến tháng 11-2012, chủ tịch UBND huyện Đức Linh có kết luận rằng khu đất của ông Thanh mặc dù đã được cấp giấy đỏ nhưng đã bỏ hoang hóa nhiều năm!

Theo ông Thanh, sự việc của ông rõ ràng nhưng đơn tố cáo của ông bị “ngâm” từ năm 2009 đến cuối năm 2012 mới được giải quyết vì lúc đó anh ruột ông Quý đang là chủ tịch huyện Đức Linh. Khi anh ông Quý thôi làm chủ tịch, huyện Đức Linh mới chịu giải quyết nhưng lại giải quyết theo hướng bao che cho ông Quý. Vì thế, ông Thanh tiếp tục tố cáo, khiếu nại tiếp đến UBND tỉnh Bình Thuận nhờ giải quyết.

Theo ông Thanh, sau khi xuất ngũ, ông khai phá mảnh đất trên và sản xuất liên tục trên mảnh đất này và đã được chính quyền cấp giấy đỏ. Thế nhưng trong kết luận, chủ tịch huyện lại bảo ông bỏ đất hoang là bao che cho hành vi sai phạm của cán bộ thuộc quyền. Nhận tố cáo, tỉnh đã chỉ đạo thanh tra vào cuộc, vụ việc mới được làm rõ. Lúc này, mảnh đất trồng lúa của ông Thanh đã bị san ủi toàn bộ và đã trồng cao su. Theo chỉ đạo của tỉnh, Phòng TN&MT huyện đã tổ chức đo đạc, cắm mốc bàn giao lại thửa đất mà ông đã bị ngang nhiên chiếm dụng hơn bốn năm qua.

Mặc dù đã nhận lại đất nhưng ông Thanh tiếp tục có đơn gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận vì hiện trạng thửa đất không còn phù hợp để canh tác lúa nước vì đã bị san lấp. Ngoài ra, hiện thửa đất của ông Thanh đã bị cao su bao quanh, không còn lối vào ruộng, không có nước tưới nên ông không thể tiếp tục trồng lúa. Do đó, ông Thanh  đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu ông Quý bồi thường thiệt hại trong thời gian đất bị ông Quý chiếm đoạt, đồng thời xem xét xử lý việc sử dụng đất sai mục đích của ông Quý vì đã lấy đất lúa để trồng cao su trái phép, trái quy hoạch.

“Đất của tôi bị cán bộ nhà nước ngang nhiên vào san ủi, chiếm đoạt làm tôi phải mất công vác đơn đi kiện khắp nơi. Giờ lại hành tôi phải kiện ra tòa để đòi quyền lợi, tôi quá mệt mỏi” - ông Thanh nói.

Một chuyên gia pháp lý cho rằng hành vi chiếm đoạt đất của ông Quý không dừng lại ở hình thức kỷ luật cảnh cáo của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đức Linh với ông này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nam (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN