Phó chủ tịch TP.HCM: “Cơn sốt đất là bài học về tính công khai, minh bạch"
Đánh giá trên được ông Lê Văn Khoa – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra trong cuộc họp kinh tế - xã hội tháng 5 của thành phố diễn ra sáng nay (29/5).
Không để ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Theo ông Khoa, mặc dù hiện nay tình trạng sốt đất tại các quận vùng ven cơ bản đã ổn định trở lại, tuy nhiên thành phố cần nhìn nhận đây là bài học phải xử lý.
Cụ thể, đó là bài học về “tính công khai và minh bạch” – Phó chủ tịch Lê Văn Khoa nói và nhấn mạnh rằng, công khai về quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết là hai việc luôn phải làm.
“Kế hoạch sử dụng đất cũng phải được công khai, đây là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Chúng ta công khai từ xã, phường đến quận, huyện, thành phố và phải thường xuyên cập nhật” – ông Khoa tiếp tục nói.
Phó chủ tịch Thành phố cũng cho biết, đã giao Sở Quy hoạch kiến trúc phải hoàn thành phần mềm tra cứu vào cuối tháng 12 năm nay.
“Với phần mềm này, khi người dân dùng điện thoại thông minh sẽ biết được tất cả đất ở thành phố được quy hoạch cái gì, không để xảy ra mù mờ” – ông Khoa nhấn mạnh.
Đất tại các quận huyện vùng ven TP.HCM bắt đầu giữ giá.
Tiếp tục cho ý kiến tại cuộc họp báo ngay sau đó, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND Thành phố nói thêm: “Thành phố cần khẳng định và công khai các dự án nào đang nghiên cứu, dự án nào khả thi, dự án nào không thực hiện được”.
Về các dự án “khủng” được đề cập trong thời gian qua như khu đô thị ven sông Sài Gòn, Củ Chi… ông Hoan cho biết đó “chỉ là ý định của các nhà đầu tư”.
“Rồi ý tưởng từ huyện lên quận, từ quận lên thành phố cũng tạo ra tâm lý bất ổn, từ đó hình thành nên cơn sốt trên thị trường đất đai. Nếu làm tốt việc thông tin chúng ta sẽ giải quyết được việc này” – ông Hoan chia sẻ.
Chánh văn phòng UBND Thành phố khẳng định thêm 1 lần nữa rằng: “3 huyện (Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh) không thể lên quận”.
“Việc xem xét khu vực nào được lên, Thành phố phải nghiên cứu, cân nhắc rất cẩn trọng, hết sức bài bản. Phải lấy ý kiến của người dân, cơ quan cấp trên chứ không thể nào tự quyết được. Do đó cần dập tắt ngay những cơn sốt ảo, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp” – ông Hoan nhấn mạnh.
Trước đó liên tục trong các ngày giữa tháng 5 vừa qua, UBND và Thành ủy TP.HCM đã phải tổ chức các cuộc họp để xem xét nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý việc tăng giá đất đột biến tại các quận vùng ven.
Cũng tại đây thông tin về các dự án, quy hoạch, việc chuyển từ huyện lên quận… được công khai bằng những lời khẳng định của các quan chức cấp cao.
Hành động này gần như tạo ra hiệu quả ngay lập tức khi giá đất các nơi bắt đầu chững lại. Tuy nhiên đến nay, giá đất tại đây vẫn giữ ở mức tương đối ổn định chứ không giảm xuống được như thời kỳ trước khi thị trường xảy ra cơn sốt.
Cấp phép xây dựng hơn 1 triệu m2 sàn
Liên quan đến thị trường bất động sản, báo cáo của TP.HCM cho thấy, lũy kế từ đầu năm 2017 đến nay, đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 25 dự án, với tổng số 11.782 căn nhà, trong đó có 11.094 căn hộ và 688 căn nhà thấp tầng, tổng giá trị cần huy động là 22.900 tỷ đồng.
Riêng tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở trên địa bàn Thành phố, hiện UBND đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị báo cáo HĐND thông qua trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
UBND Thành phố cũng đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất năm 2017 cho 24 quận, huyện và ban hành 13 quyết định giao đất cho các nhà đầu tư với tổng diện tích 59.058,4 m2; cấp 65 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 1.275 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra còn cấp 2.665 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi, cấp lại 33.776 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho cá nhân, cùng 5.183 Giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng 1.351.393,78m2.