Phiên 25/6: Hai sàn giảm điểm
Đà giảm điểm của phiên sáng tiếp tục được duy trì trong phiên chiều. Thanh khoản bất ngờ tăng mạnh nhờ 12 triệu cổ phiếu OGC được giao dịch thỏa thuận.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, tâm lý thận trọng vẫn chi phối các nhà đầu tư. Lệnh bán và mua đều rất nhỏ giọt, khiến xu thế của thị trường không có gì chuyển biến và không khí giao dịch rất ảm đạm.
Kết thúc đợt giao dịch khớp lệnh giá mở cửa, VN-Index giảm 0,63 điểm (-0,15%), xuống 426,54 điểm, với tổng giá trị giao dịch chỉ vỏn vẹn12,5 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện khi lực mua có dấu hiệu tăng lên, kéo VN-Index vượt qua tham chiếu và nối mạnh đà tăng điểm. Các cổ phiếu bluechip được hỗ trợ để dần dần vượt qua mức tham chiếu chính là nguyên nhân giúp thị trường dần hồi phục.
Sau khi tăng lên sát mức 430 điểm, lực bán mạnh ở các bluechip xuất hiện khiến thị trường dần hạ nhiệt và lùi về gần mốc tham chiếu. Khi VN-Index về mốc tham chiếu, lực bán vẫn không có dấu hiệu dừng lại, trong khi bên mua đã chùn tay khiến thị trường mỗi lúc một giảm.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tạm dừng ở mức 424,64 điểm, giảm 2,53 điểm (-0,59%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,6 triệu đơn vị, tương đương giá trị 368 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1 triệu đơn vị, trị giá 28,5 tỷ đồng.
Với chỉ 2 mã tăng, 4 mã đứng giá và có tới 24 mã giảm giá, chỉ số VN30 dừng lại ở mức 498,16 điểm, giảm 2,18 điểm (-0,44%).
Phiên sáng nay, thanh khoản của thị trường sụt giảm khá mạnh khi không có cổ phiếu nào có khối lượng khớp lệnh đạt 1 triệu đơn vị. Các cổ phiếu có khối lượng khớp lớn nhất phiên sáng là ASM, OGC, MBB, ITA với khối lượng từ hơn 0,9 triệu đến 9,7 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, cổ phiếu tạo chú ý nhất sáng nay là DLG của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Sau khi bị bán mạnh và giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu này đã có dấu hiệu bắt đáy trong 2 phiên giao dịch cuối tuần và đã tăng vọt trở lại trong phiên sáng nay sau thông tin Chủ tịch HĐQT và các lãnh đạo chủ chốt của Công ty sẽ mua vào từ 7 đến 8 triệu cổ phiếu, tương đương 85 tỷ đồng, tức với mức giá mua khoảng 10.600 đồng/cổ phiếu.
Lượng mua giá trần cổ phiếu DLG liên tục tăng lên, trong khi bên bán gần như không có ai ra hàng khiến cổ phiếu này có thanh khoản rất thấp so với các phiên trước đây. Kết thúc phiên sáng, DLG còn dư mua trần (9.200 đồng/cổ phiếu) 323.710 cổ phiếu, trong khi chỉ được khớp 32.710 cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 2.478.100 cổ phiếu, trong đó REE và MBB được họ mua vào nhiều nhất với khối lượng lần lượt 462.820 cổ phiếu và 431.000 cổ phiếu.
Trên sàn HNX, sắc đỏ xuất hiện ngay từ đầu phiên khi chỉ có một số ít cổ phiếu được khớp, trong đó các mã dẫn dắt thị trường đều được giao dịch dưới tham chiếu. Nhưng ngay sau khi tín hiệu tích cực xuất hiện trên sàn HOSE, chỉ số HNX-Index trên sàn HNX cũng đã đảo chiều với sự hỗ trợ của các mã ngân hàng, chứng khoán.
Tuy nhiên, khi sàn HOSE hạ nhiệt, sàn HNX đã quay đẩu giảm điểm trở lại khi trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt, không còn mã nào có màu xanh.
Kết thúc phiên giao sáng, HNX-Index giảm 1,05 điểm (-1,43%), xuống 72,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị 214 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 2 triệu đơn vị, trị giá 37,6 tỷ đồng.
Với hơn 2,18 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, PVX là mã dẫn đầu về thanh khoản trên sàn HNX trong phiên sáng. Tạm dừng phiên sáng, PVX có mức giá 9.900 đồng/cổ phiếu, giảm 100 đồng. Ngoài ra, có khối lượng lớn trên 1 triệu đơn vị trên HNX còn có các cổ phiếu quen thuộc khác như KLS, VND, SCR, HBB.
Khối ngoại sáng nay mua vào 445.800 cổ phiếu và bán ra 146.400 cổ phiếu. Trong đó, họ mua vào nhiều nhất là DBC và PVX với 116.800 cổ phiếu và 100.000 cổ phiếu, trong khi bán ra mạnh nhất là CTA với 41.500 cổ phiếu.
Vừa bước vào phiên chiều, lực bán đã được đẩy mạnh vào khiến thị trường giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, điều tích cực là lực mua không còn quá dè dặt, giúp thanh khoản của thị trường được cải thiện và dần hãm đà giảm cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/6, VN-Index giảm 3,05 điểm (-0,71%), xuống 424,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.031,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận góp 15,8 triệu đơn vị, trị giá 369 tỷ đồng. Đặc biệt, trong phiên chiều, có tới 12 triệu cổ phiếu OGC được giao dịch thỏa thuận ở mức giá sàn, tương đương giá trị 146,4 tỷ đồng. Tuy có khối lượng giao dịch chỉ bằng 1/10 của OGC, nhưng VIC cũng góp hơn 112 tỷ đồng trong phiên thỏa thuận.
Tuy nhận được hỗ trợ mạnh từ 2 mã cổ phiếu lớn là MSN và VIC, nhưng VN30 vẫn không đòi lại được mốc 500 điểm đã mất trong phiên sáng. Kết thúc phiên, VN30 dừng lại ở mức 498,09 điểm, giảm 2,25 điểm (-0,45%). Với 2 mã tăng là MSN và VIC, trong đó VIC tăng trần; 5 mã đứng giá và 23 mã giảm giá.
Sau khi dè dặt trong phiên sáng, lực mua đã mạnh dạn hơn trong phiên chiều, nhất là ở các mã bluechip, giúp thanh khoản của thị trường được cải thiện rõ rệt. So với phiên sáng không có mã nào được khớp lệnh đến 1 triệu đơn vị, thì kết thúc phiên giao dịch chiều, sàn HOSE có tới 15 mã có khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị, trong đó ITA, ASM, SSI và SAM là những mã có khối lượng khớp lớn nhất với 2,34 triệu cổ phiếu, 1,78 triệu cổ phiếu, 1,56 triệu cổ phiếu và 1,47 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu DLG tiếp tục được chất lệnh mua giá trần trong phiên chiều, dù lượng bán gần như không có, chỉ hơn 65.000 cổ phiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua mạnh trong phiên giao dịch hôm nay khi họ gom vào 5.019.300 cổ phiếu, trong đó REE và SSI được mua vào nhiều nhất với 869.240 cổ phiếu và 662.400 cổ phiếu.
Trên sàn HNX, diễn biến không có nhiều thay đổi khi đà giảm điểm vẫn được tiếp tục với diễn biến không mấy sôi động.
Kết thúc phiên giao dịch, HNX-Index giảm 1,51 điểm (-2,06%), xuống 71,8 điểm với toàn bộ các cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường đều giảm điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,5 triệu đơn vị, tương đương giá trị 421,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận hơn 4,5 triệu đơn vị, trị giá 68 tỷ đồng.
Với lượng khớp lệnh tăng mạnh trong phiên chiều, cổ phiếu SCR vươn lên dẫn đầu về thanh khoản trên HNX với 3,9 triệu đơn vị, PVX đứng tiếp theo với gần 3,5 triệu đơn vị. VND, KLS và HBB cũng có khôi lượng khớp lớn, từ 2,4 triệu đến 3,2 triệu đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 641.200 cổ phiếu và bán ra 168.200 cổ phiếu. DBC và PVX được mua vào nhiều nhất với 174.800 cổ phiếu và 100.000 cổ phiếu. Ngược lại họ bán ra mạnh nhất là BCC và CTA với 47.000 cổ phiếu và 41.500 cổ phiếu.