Phía sau một trong những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh

Phía sau người phụ nữ ấy lại là những câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình người trong cả công việc và cuộc sống đời thường.

Phía sau một trong những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh - 1

Có một người phụ nữ "biết bay", được Tạp chí Forbes bình chọn trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh, với khối tài sản ước tính cả tỷ USD. Người chưa gặp dễ hình dung về một người đàn bà “thép” đầy uy quyền. Vậy mà ngược lại, phía sau người phụ nữ ấy lại là những câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình người trong cả công việc và cuộc sống đời thường.

Bàn tay sắt bọc nhung

Hôm đó, một cơn mưa vừa dứt, trời se lạnh. Tôi chứng kiến một cảnh khó quên: Một bà chủ quyền lực được xếp hạng top 100 phụ nữ quyền lực nhất hành tinh ngồi bên bếp lửa bập bùng trong một căn bếp đơn sơ nói chuyện cùng ông lão người thiểu số ở Hòa Bình. Ông lão hỏi: “Cháu được đi TP HCM chưa. Xa lắm nhỉ. Nghe nói phải ngồi máy bay nữa!”.

Tôi không biết bà Nguyễn Thị Phương Thảo (bà chủ Hãng hàng không Vietjet Air, HD Bank và nhiều doanh nghiệp khác) nói gì. Chỉ thấy sau khi tạm biệt, ông lão (là thầy cúng, rất quý chiếc áo hành lễ) lấy chiếc áo vẫn dùng đi hành lễ tặng bà Thảo. Người phụ nữ quyền lực hôm ấy cũng vào thăm một lớp học, ôm lũ trẻ nhem nhuốc và hát tặng chúng một cách tự nhiên. Các thầy cô trong ngôi trường trên rẻo cao ấy không ai biết bà Thảo làm nghề gì. Họ chỉ nghĩ đơn giản, đó là một mạnh thường quân có tấm lòng thơm thảo về trường tặng quà cho học sinh nghèo.

Bà Thảo có sở thích đặc biệt với màu trắng nhẹ nhàng thanh khiết. Dáng vóc mảnh mai và trẻ hơn nhiều so với tuổi. Sở thích về màu sắc và vóc dáng dường như cũng nói lên cách điều hành doanh nghiệp của bà. Thật là một nhận diện khác hẳn với danh xưng bà chủ lớn. Ấy vậy mà, để đưa được những chiếc máy bay sơn màu quốc kỳ Việt Nam lên bầu trời nội địa, quốc tế và tham vọng vươn xa hơn, không phải chuyện đơn giản. Thời điểm đó, bài học từ thất bại của những hãng bay nội địa khiến dân trong nghề với ánh mắt nghi ngại, thốt lên: “Ðể rồi xem”. Trong khi đó người phụ nữ vận váy voan trắng và cộng sự đưa ra những ý tưởng trang phục của tiếp viên thật lạ lẫm và lãng mạn. Nữ tiếp viên Vietjet đội mũ ca-lô, quần sóc như hình ảnh đoàn quân giải phóng tiến vào 5 cửa ô của mùa Thu lịch sử. Trang phục này đã quen thuộc trên từng chuyến bay hôm nay và đặc biệt được đánh giá cao trong giới hàng không quốc tế: Thanh lịch, hiện đại, tiện dụng và giàu bản sắc…

Nhiều lần, tôi cứ tự hỏi, người phụ nữ dáng vóc mong manh ấy giấu quyền lực ở đâu? Ở số tài sản mà người ta nói kếch sù với cả trăm máy bay đặt hàng, hay những công ty đình đám khác? Tôi ngỡ phải chứng kiến nhiều cuộc thét ra lửa, nhưng rõ ràng không dưới vài lần được chứng kiến người phụ nữ này tập hát say sưa trên ô tô riêng để kịp thuộc lời hát tặng nhân viên. Như buổi sáng đi làm từ thiện khởi hành sớm, bà cũng ăn vội miếng bánh mỳ như ai. Người lái xe riêng của bà Thảo nói: “Tôi lái cho Madam (một cách nói kính trọng) hơn 25 năm rồi, từ khi đứa con đầu của tôi mới sinh. Nay cháu đã thành nhân viên thuộc ngân hàng của Madam cũng đã lấy chồng là cán bộ ngân hàng, sinh cho tôi đứa cháu kháu khỉnh”.

“Tôi đã làm công việc này với tất cả niềm đam mê từ trái tim mình. Trái tim của một người phụ nữ mong muốn khách hàng và nhân viên được chăm sóc như từ bàn tay người mẹ, người vợ, người em dành cho người thân của mình, để có những chuyến đi tới nơi về tới chốn, an toàn, mạnh khỏe, vui vẻ, được chăm chút”. 

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong một buổi tiệc lớn cuối năm của công ty, người ta háo hức chờ nữ chủ nhân ra tuyên bố khai mạc trịnh trọng. Ðâu đó ở cuối hội trường, bà Thảo đẩy chiếc xe phục vụ bữa ăn trên máy bay từ từ tiến vào. Bà lần lượt phục vụ từng nhân viên suất ăn của đêm hôm ấy. Nhạc trong bữa tiệc nhộn nhịp là thế mà bỗng dưng mọi người lặng đi. Nghe nói, có những giai đoạn khó khăn khi Vietjet mới thành lập. Nhân viên chưa quen việc, nhiều người vẫn thấy một người phụ nữ tươi tắn đi hỏi han cấp dưới làm việc vất vả không, tự tay lau hút bụi trên tàu bay.

Mấy trợ lý thân cận còn kể, bà Thảo thích nấu ăn và vẫn nấu cơm cho gia đình mỗi dịp rảnh cuối tuần. Có lần gặp, tôi hỏi: “Nghe nói chị còn chăm gia đình hơn gái công sở thời nay?”. “Hàng tuần, mình vẫn dành ra thời gian để đọc truyện, đi xem phim cùng cậu con trai hoặc đưa cháu đi thi đấu thể thao, biểu diễn ca nhạc …”, bà nói. Hôm rồi, tôi gặp vợ chồng bà trong chuyến ra Hà Nội thăm bố mẹ già. Trông họ như một cặp đang đi hưởng tuần trăng mật. Nghe nói đó là cách họ tranh thủ mỗi dịp gần nhau. Dường như họ chỉ hẹn hò trên những chuyến bay.

Ít ai biết, khi mới 25 tuổi, bà Thảo vừa về Việt Nam và đã tham gia sáng lập, quản trị trong hội đồng quản trị một vài ngân hàng. Có lần, tôi hỏi bà, ở tuổi đó, một cô gái chỉ biết làm đẹp thôi? Bà nói: “Vậy mà tôi đã phải đưa ra những chiến lược kinh doanh và những giải pháp cho một vấn đề nào đó”. Sau buổi lễ ký kết mua hợp đồng máy bay với Airbus cách đây không lâu, John Leahy- Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus, hướng mắt về phía Madam Thảo rồi nói: “CEO Vietjet là người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung”. Ông này nói thêm: “Cứ thử đàm phán hợp đồng với bà ấy mà xem”.

Phía sau một trong những người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh - 2

Bà Thảo trong chuyến thăm các em nhỏ mồ côi.

Ước mơ của bà mẹ bỉm sữa

Rất kín tiếng với truyền thông, bà hầu như không trả lời phỏng vấn. Chúng tôi chỉ tranh thủ chuyện trò như những người bạn. Nói về việc lập nên một hãng hàng không khiến cả thế giới biết đến, có lần, bà kể rằng nhìn thấy cơ hội tại một thị trường tiêu dùng gần 100 triệu dân, khao khát được sử dụng phương tiện máy bay hiện đại; nhưng khi đó vẫn là phương tiện xa xỉ, chỉ dành cho những người “có điều kiện”.  “Từ hơn 10 năm trước, khi cậu con trai đầu lòng được vài tháng tuổi, tôi đã nhìn thấy điều này và cảm nhận được rằng đó chính là công việc mình cần phải làm trong tương lai, nếu muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Và ngay tại thời chăm con nhỏ, tôi đã ấp ủ ước mơ làm hàng không, bắt đầu nghiên cứu về các hãng hàng không giá rẻ, gặp gỡ các CEO quản lý mảng hàng không giá rẻ như Jetstar, Air Asia và nghiên cứu lịch sử thành công của Southwest Airlines”, bà Thảo kể. 

Theo cách nói kiểu cư dân mạng hiện nay thì bà mẹ bỉm sữa lúc đó đã có nhiều nung nấu. Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu bà: Khách hàng cần gì, muốn gì, bản thân có thể đáp ứng gì, có thể làm hàng không chi phí thấp mà chất lượng cao hay không? Rồi phải làm gì để tạo ra những giá trị mới cho khách hàng. “Chúng tôi đã luôn nghĩ mới, nghĩ khác, nghĩ táo bạo để thay đổi và tạo nên một xu hướng tiêu dùng mới, một xu hướng đi máy bay mới, tiến tới đưa phương tiện hàng không trở thành dịch vụ phổ cập với người dân Việt Nam. Phát triển hãng hàng không của chúng tôi thành một hãng hàng không đa quốc gia, được yêu thích bậc nhất trong khu vực”, bà nói.

Hiện nay, đội máy bay và doanh thu của Vietjet tăng trưởng như vũ bão, doanh thu năm thứ 5 gấp 3 lần năm thứ 3. Bên cạnh đó, Vietjet đã tạo ra được hàng loạt lợi thế cạnh tranh. “Sau gần 5 năm hoạt động, Vietjet đã vươn lên dẫn đầu thị trường hàng không nội địa, hơn 90% khách hàng thường xuyên quay lại sử dụng dịch vụ của chúng tôi”, bà Thảo nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nam (Tiền Phong)
Chuyện của doanh nhân thành dạt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN