Pháp: Các triệu phú sẽ “tháo chạy”?

Tổng thống Francois Hollande ngày 4-7 công bố đề xuất tăng mức thuế nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách của đất nước mà không phải thực hiện thắt lưng buộc bụng. Đây được xem là một trong những bước đi đầu tiên nhằm thực hiện lời hứa của tân Tổng thống Pháp khi vận động tranh cử. Gói tăng thuế này trị giá 7,2 tỷ EUR nhằm vào những người có thu nhập cao và các công ty lớn.

Thu nhập trên 1 triệu EUR bị đánh thuế đến 75%

Theo luật thuế mới do Tổng thống F. Hollande đề xuất, những người có thu nhập trên 1 triệu EUR (hơn 1,26 triệu USD)/năm sẽ bị đánh thuế theo lũy tiến lên đến 75%. Đối tượng áp dụng thuế mới là các hộ gia đình giàu có, các công ty lớn, đặc biệt là các ngân hàng và các tập đoàn năng lượng, những lĩnh vực luôn có mức lợi nhuận cao.

Trong năm 2012, Pháp cần cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 6 - 10 tỷ EUR và năm 2013 là 33 tỷ USD. Theo Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac, nếu như năm nay chính phủ tập trung vào đánh thuế những người có thu nhập cao, thì từ năm 2013 trở đi chính phủ sẽ dần kiểm soát chi tiêu bởi vì chi tiêu của chính phủ đã làm tăng khoản nợ của Pháp từ 800 tỷ EUR trong 10 năm qua lên đến 1,8 ngàn tỷ EUR – tương đương 90% GDP của quốc gia này.

Theo ông Hollande, việc đóng thuế chỉ là một hành động đơn giản của lòng yêu nước và những người có thu nhập cao phải chấp nhận trả thuế nhiều hơn để nước Pháp lấy lại nguồn lực. Người giàu phải đóng góp phần của mình khi nước Pháp bước vào cuộc chiến cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 5,2% GDP năm ngoái xuống 3% trong năm 2013.

Ngoài việc tăng thuế những người có thu nhập cao, Chính phủ Pháp cũng bãi bỏ luật chuyển chi phí lao động sang tăng thuế giá trị gia tăng, giúp có thêm 800 triệu EUR trong ngân sách. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng gấp đôi thuế giao dịch tài chính với hy vọng tăng ngân sách thêm 170 triệu EUR. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ bị cắt giảm chỉ còn 2,5%, thấp hơn một nửa so với trái phiếu Tây Ban Nha.

Pháp: Các triệu phú sẽ “tháo chạy”? - 1

Sẽ có nhiều người giàu ở Pháp ra đi để tránh mức thuế cao

Người lao động Pháp hoan nghênh

Quyết định của Tổng thống Hollande được đa số người lao động Pháp hoan nghênh vì đảo ngược chính sách “thân thiện với doanh nghiệp” của cựu Tổng thống Sarkozy. Ông Sarkozy đã không ngần ngại cắt giảm lương hưu và các phúc lợi xã hội của người lao động… khi cần cắt giảm thâm hụt ngân sách trong khi tung hàng chục tỷ EUR để cứu trợ các tập đoàn sản xuất xe hơi hay các ngân hàng.

Tuy nhiên, với mức thuế thu nhập trung bình từ 50%-75%, cộng với khoảng 33% thuế đánh vào lợi tức thu được từ hoạt động kinh doanh, Pháp có thể sẽ trở thành nước “khó ở” nhất với người giàu ở Liên minh châu Âu. Quyết định của Tổng thống Hollande đã đánh bật “lá chắn thuế” được ông Sarkozy dựng nên năm 2007 khi đắc cử tổng thống, trong đó quy định mức trần thuế thu nhập cho bất cứ đối tượng nào đều không được vượt quá 50%.

Ước tính có khoản 300.000 người sẽ bị tác động bởi luật thuế mới. Lo lắng cho túi tiền của mình, nhiều nhân vật nổi tiếng và giàu có của Pháp tuyên bố sẽ rời bỏ quốc gia này. Trong đó phải kể tới các trường hợp ca sĩ Charles Aznavour, tay đua Alain Prost, Gérard Mulliez, ông chủ của chuỗi các siêu thị Auchan hay diễn viên gạo cội thế giới người Pháp Alain Delon… Thụy Sĩ, Bỉ là một trong những lựa chọn hàng đầu với mức thuế rất thấp. Nếu tính tất cả các loại thuế, một triệu phú của Pháp có thể phải chịu mức thuế lên tới 90% trong khi đó ở một vùng của Thụy Sĩ, con số này chỉ vào khoảng 20%.

Đảng bảo thủ đang công kích dữ dội chính sách của ông Hollande khi “đánh thuế nhà giàu” có thể là con dao 2 lưỡi. Họ cũng cảnh báo chính sách này có thể đẩy đến 4.000 triệu phú Pháp với mức thu nhập bình quân từ 20 - 30 triệu EUR/năm sang sinh sống ở các nước láng giềng và Chính phủ Pháp cần phải cân nhắc chính sách thuế nếu muốn giữ chân những lực lượng triệu phú ở lại. Bởi Zurich chỉ cách Paris có một giờ xe chạy và nơi đây chính quyền địa phương luôn trải thảm đỏ đón chào những người giàu nhất thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Chi ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN