Phân bón chịu thuế VAT: DN hưởng lợi, nông dân è cổ chịu gánh nặng thuế phí?

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ Tài chính mới đây đã công bố một số thông tin liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế.

Trong đó, có chính sách liên quan trực tiếp đến các công ty sản xuất phân bón như: Chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT 5% (phương án 1 - được Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc) hoặc 10% (phương án 2). Bộ Tài chính cũng đề xuất thời gian dự kiến áp dụng từ 01/01/2019.

Với giả định mặt hàng phân bón sẽ chịu thuế VAT 5% kể từ đầu năm 2019, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có đánh giá tác động đến các DN thuộc lĩnh vực này.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân NPK và sử dụng phân đơn là nguyên liệu đầu vào chính như CTCP Phân bón Bình Điền (BFC). Trong kịch bản thuế VAT 5% được áp dụng, những doanh nghiệp này sẽ phải gánh thêm 5% thuế trên giá vốn phân đơn. Nếu các doanh nghiệp này không đổi giá bán, biên lãi gộp của họ sẽ giảm 3-5 điểm phần trăm, theo như VDSC ước tính. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay và biên lãi gộp của các công ty này cũng không quá thấp (15%-20%), dự báo các nhà sản xuất này sẽ tăng giá bán nhưng mức tăng sẽ không phản ánh hoàn toàn gánh nặng thuế mà họ phải chịu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối phân bón, như Đạm Phú Mỹ (DPM) hay CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) cũng trong trường hợp tương tự, nhưng do biên lợi nhuận gộp mỏng hơn nhiều (khoảng 5%) nên VDSC cho rằng các doanh nghiệp này sẽ đẩy phần lớn gánh nặng thuế sang cho người tiêu dùng, từ đó bị ảnh hưởng về mặt thị phần.

Phân bón chịu thuế VAT: DN hưởng lợi, nông dân è cổ chịu gánh nặng thuế phí? - 1

Các doanh nghiệp có phần lớn nguyên liệu đầu vào đang chịu thuế VAT 10% như DPM, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), CTCP Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF) hay CTCP Phân Lân Ninh Bình (NFC) sẽ là những đối tượng hưởng lợi rõ ràng nhất do các doanh nghiệp này sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào. Khoản tiền tiết kiệm được là đáng kể khi so với lợi nhuận các doanh nghiệp này làm ra. Như trong trường hợp của DCM và DPM, dựa trên giá trị nguyên vật liệu đầu vào, ước tính hai công ty đang chịu thuế VAT đầu vào khoảng 260-270 tỷ đồng/công ty/năm, trong khi LNST của DPM và DCM trong năm 2016 đạt lần lượt 1.165 và 624 tỷ đồng.

Trường hợp của CTCP Phân bón và Hóa chất Lâm Thao (LAS) khá đặc biệt vì công ty này tuy chủ yếu kinh doanh NPK (chiếm 70% doanh thu), nhưng nguyên liệu phân đơn không chiếm tỷ trọng quá cao do họ chủ yếu sử dụng nguồn phân lân tự sản xuất. Ước tính sơ bộ cho thấy khoản lợi thuế mà LAS nhận được có thể lên tới 140 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế của LAS năm 2016 chỉ là 138 tỷ đồng.

Dù đối tượng được hưởng lợi khá đa dạng, phản ứng của các doanh nghiệp này vẫn sẽ có điểm chung là giữ giá để lấy thị phần từ phân bón nhập khẩu. Đơn cử như các công ty phân đạm và phân NPK, lượng phân ure và NPK nhập khẩu hiện đang chiếm lần lượt 23% và 8% thị phần đối với từng thị trường. Các sản phẩm supe lân và lân nung chảy mặc dù không bị cạnh tranh bởi các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, nhưng các nhà sản xuất sẽ chưa tăng giá nhằm lấy thêm thị phần từ phân DAP (một loại phân có vai trò khá tương đương như khi kết hợp phân urê và phân lân, với 70% nhu cầu đang được đáp ứng bởi sản phẩm nhập khẩu), đặc biệt khi loại phân này đang bị áp thuế tự vệ tạm thời.

Tuy nhiên, các chính sách thuế vẫn đang trong giai đoạn sửa đổi và không loại trừ khả năng phân bón sẽ được chuyển sang đối tượng chịu thuế 10% (phương án 2). Khi đó tác động từ sửa đổi thuế đến các công ty phân bón sẽ khác tương đối nhiều so với nhận định trên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hiền Anh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN