Phân bổ ngân sách 2017: Địa phương có tiềm lực kinh tế lớn cần chia sẻ
Giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết trong bối cảnh phải đảm bảo giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, các địa phương có tiềm lực kinh tế lớn cần có sự đồng thuận và chia sẻ.
Năm 2017, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 18.800 tỉ đồng cho TP.HCM
Sáng 14.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 với 405/425 đại biểu tán thành.
Theo nghị quyết này, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỉ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỉ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương như: TP.HCM (giảm 5%); Đà Nẵng (giảm 17%)… Bởi vì việc giảm tỷ lệ điều tiết để lại cho các địa phương sẽ không có động lực để địa phương phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hải việc xác định tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương đã căn cứ trên tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước tính theo nguyên tắc tiêu chí, định mức mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 về chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, bảo đảm mặt bằng chung giữa các địa phương.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ, các định mức phân bổ đã có hệ số và mức ưu tiên cho các địa phương điều tiết về ngân sách trung ương. Đã ưu tiên phân bổ thêm số chi tính theo dân số từ 30% đến 70%. Riêng Hà Nội và TP.HCM là đô thị đặc biệt còn được tăng cao hơn để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, đảm bảo an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai...
Riêng TP.HCM, nếu tính cả khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố năm 2017 là 7.316 tỉ đồng để thực hiện các dự án công trình quan trọng, thì tỷ lệ điều tiết của TP.HCM khoảng 22%. Nếu tính cả 10.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án chống ngập và 8.800 tỉ đồng cho 2 bệnh viện tuyến cuối thì tổng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương này là khoảng 18.800 tỉ đồng.
Do vậy, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, phải bảo đảm cân đối giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, thì cần có sự chia sẻ đồng thuận của các địa phương có tiềm lực kinh tế lớn.