Phải thêm “sân tập” cho doanh nghiệp tư nhân

Vừa qua, bộ Công thương đưa thông tin về dự thảo thông tư công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá, cũng như các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Việt Nam.

Điều đáng chú ý trong dự thảo lần này này chính là ý kiến đề xuất các doanh nghiệp FDI có thể sẽ được mở rộng và kinh doanh những lĩnh vực như xăng dầu, dược phẩm, lúa gạo từ năm 2014.

Như “dẫn hổ về nhà chơi”

Chúng ta đã quá quen với ngụ ngôn “cửa kính vỡ”, chuyện mô tả nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập. Theo đó, trong nền kinh tế hội nhập vốn đa dạng thành phần tham gia, thì lợi ích của người này có thể là sự mất mát của người khác. Việt Nam sẽ đứng trước “một cơ hội” và “một nguy cơ”. Cơ hội chính là được hưởng lợi từ những “cái mới” bên ngoài vào, cụ thể là tiền, tri thức, khoa học, kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng xuất hiện nguy cơ bản thân nền kinh tế quốc gia bị “khống chế” nếu “bên ngoài” quá mạnh và “nuốt chửng” cái nội.

Phải thêm “sân tập” cho doanh nghiệp tư nhân - 1

Trong bốn guồng máy, chỉ có guồng máy FDI là đang hoạt động một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Một trong những yếu tố “bên ngoài” vừa đề cập phía trên chính là các doanh nghiệp FDI. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, TS Lê Đăng Doanh ví von “cho các doanh nghiệp FDI vào hoạt động cũng như việc dẫn con hổ về nhà chơi”. Rõ ràng việc “dẫn hổ về nhà chơi” có những cái lợi riêng của nó. Chính ông Doanh nhận định, “nếu biết làm cho con hổ vui, biết cách thuần phục nó thì nó sẽ là vật “làm sang” cho căn nhà. Thậm chí, có đưa đầu vào miệng hổ để đùa thì hổ cũng không cắn”. Tuy nhiên, “nếu không áp dụng những nguyên tắc quản lý hổ đúng, thì có thể bị giết bất kỳ lúc nào”, ông Doanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang vận hành dựa trên bốn guồng máy chủ yếu: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và doanh nghiệp FDI. Vậy là, Việt Nam, như một xu hướng hội nhập tất yếu, cũng đang nuôi một “con hổ”.

Điều đáng nói là theo nghiên cứu của chuyên gia Vũ Thành Tự Anh, trong bốn guồng máy đó chỉ có guồng máy FDI là đang hoạt động một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Đồng ý với quan điểm này, ông Doanh cho biết “khoảng 65% giá trị hàng hoá xuất khẩu hiện nay đến từ các doanh nghiệp FDI”. Năm 2012, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Việt Nam đạt xuất siêu. Tuy nhiên chưa kịp mừng, thì dư luận bắt đầu lo lắng khi chủ yếu xuất siêu là khu vực FDI.

Câu hỏi đặt ra là tại sao trong cùng một lãnh thổ, cùng chịu tác động của những chính sách như nhau nhưng khu vực FDI trội hơn? Ông Doanh chỉ rõ “do các doanh nghiệp FDI nằm trong chuỗi sản xuất liên quốc gia, nhận kinh phí mạnh từ doanh nghiệp mẹ từ nước ngoài. Thế nên đầu vào doanh nghiệp FDI cũng mạnh, mà đầu ra cũng thế”. Như vậy, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, doanh nghiệp tư nhân “leo lét”, khu vực nông nghiệp ì ạch giá thấp, thì “con hổ” FDI ngày càng trở nên khoẻ mạnh.

Bên cạnh việc doanh nghiệp nhà nước quá được ưu ái trong đầu tư khiến cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế thiếu công bằng, thì hệ luỵ nặng nề hơn chính là việc “thiếu sân tập”, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.

Ông Doanh cũng dự báo, “sắp tới khi Việt Nam cùng các nước ASEAN xây dựng nên Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC), cùng việc tham gia hiệp định Đối tác thương mại xuyên châu Á – Thái Bình Dương (TPP), thì sẽ có đông hơn “con hổ” FDI đến Việt Nam “thăm chơi”. Điều quan trọng không phải là tìm cách ngăn hổ thăm nhà, vì có ngăn cũng không thể được, và càng không được ngăn khi hổ FDI đang góp phần kéo nền kinh tế quốc gia khá tích cực. Điều cốt yếu là phải tìm cách chơi với hổ”.

Doanh nghiệp nội địa “thiếu sân tập”

Có người đặt ra vấn đề “lưỡng nan” về chính sách: ngăn chặn FDI thì khác nào “tự ghè chân mình”, nhưng nếu cho vào trong bối cảnh cả ba guồng máy còn lại đang “yếu” thì không khéo tự hại mình. Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Tuấn Minh lại cho rằng “không có gì là lo lắng về doanh nghiệp FDI. Người ta chưa vào mà đã lo ngăn họ, thì chỉ làm mọi thứ phức tạp hơn. Doanh nghiệp FDI chẳng thể nuốt hết được tất cả các doanh nghiệp được”.

Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp doanh nghiệp nội thua nhanh, thậm chí là “chết nhanh” và số lượng doanh nghiệp phá sản thời gian qua là minh chứng rất rõ. Lý giải về điều này, ông Minh nhận định “là do chúng ta tự thua, chứ không liên quan gì vấn đề FDI”. Ông Minh giải thích thêm, các doanh nghiệp tư nhân vốn đã yếu về tài chính, thiếu kinh nghiệm, lại thiếu sân chơi. Các sân chơi lớn, các ngành kinh doanh chủ đạo đa phần đều trong tay các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, thời gian qua vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước lại quá chậm, nên sân chơi cho các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn thiếu. Thế nên, các doanh nghiệp tư nhân vẫn thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và không thể trưởng thành lên được. Điển hình, “thị trường may mặc, lẽ ra phải do các doanh nghiệp tư nhân tập trung đầu tư vì đó là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, đứng đầu ngành này hiện nay vẫn là doanh nghiệp nhà nước”, ông Minh phân tích.

Như vậy lâu nay, bên cạnh việc doanh nghiệp nhà nước quá được ưu ái trong đầu tư khiến cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế thiếu công bằng, thì hệ luỵ nặng nề hơn chính là việc “thiếu sân tập”, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.

Trước thực trạng trên, cả ông Doanh và ông Minh đều cho rằng “cứ để doanh nghiệp FDI vào để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế”. Có cạnh tranh thì mới có thể thanh lọc doanh nghiệp yếu, làm mạnh cấu trúc và hệ thống các doanh nghiệp hiện nay. “Tại nhiều nước gần Việt Nam như Indonesia, Thái Lan, hay gần hơn là Campuchia, các doanh nghiệp tư nhân, cũng như doanh nghiệp FDI đều được tự do kinh doanh nhiều ngành như xăng dầu, lúa gạo”, ông Minh chỉ ra. Thực tế là các nước này làm rất tốt. Thế nên, tại sao cứ nghe đến “nước ngoài” là lại sợ, mà không tự mình mạnh lên để có thể cùng chơi với các doanh nghiệp lớn. “Chơi với họ mới có thể mạnh lên theo họ được”, ông nói.

Làm sao để “chơi” với doanh nghiệp FDI?

Tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hoạt động rất tốt mà chẳng phải sợ một đối thủ FDI nào. Chúng ta cứ tận dụng các thế mạnh mà chỉ chúng ta mới có thể tiếp cận tốt trên “sân nhà” như may mặc, nông nghiệp, thậm chí là dịch vụ… để có thể “mạnh lên từ từ”. Sau khi mạnh lên, các doanh nghiệp nội địa có thể cổ phần hoá để tăng vốn kinh doanh, vững bước trên thị trường. Thậm chí tôi biết còn có doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên và mua lại cổ phần doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã làm rất tốt điều này.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, đại học Quốc gia Hà Nội

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thắng Nguyễn (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN