"Ông lớn" Tổng HUD xin chuyển nhượng, xử lý loạt dự án
Trước nhu cầu cũng như áp lực thu hồi vốn đầu tư, “ông lớn” Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã xin chuyển nhượng một phần dự án trụ sở nghìn tỷ. Đồng thời, xin sắp xếp và xử lý tài sản công tại các tỉnh thành.
Chuyển nhượng một phần trụ sở nghìn tỷ
Bộ Xây dựng vừa có Văn bản số 1682/BXD-KHTC gửi Tổng Cty HUD liên quan việc chuyển nhượng một phần dự án trụ sở kết hợp với văn phòng cho thuê mang tên HUD Tower tại lô đất 2.4-NO ngã 4 đường Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám-Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Được biết, dự án HUD Tower được khởi công xây dựng từ năm 2010, nhưng trong quá trình triển khai dự án này không thể hoàn thiện đúng kế hoạch, nhiều lần phải tạm dừng thi công. Giá trị đầu tư của dự án này tính đến thời điểm 31/3/2018 khoảng 1.540 tỷ đồng.
Tổng HUD muốn chuyển nhượng một phần dự án trụ sở ngã 4 đường Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám-Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với tổng giá trị đầu tư 1.540 tỷ đồng. (Ảnh Duy Phạm).
Trong thời gian qua, HUD liên tục đưa ra phương án muốn chuyển nhượng toàn bộ dự án này để thu hồi vốn. Tuy nhiên, với thực trạng sử dụng và kinh doanh hiện tại, việc chuyển nhượng toàn bộ dự án theo Văn bản chấp thuận số 2667/BXD-KHTC ngày 22/10/2014 của Bộ Xây dựng sẽ khó khả thi và không thực hiện được.
Do vậy, trước nhu cầu của khách hàng cũng như áp lực thu hồi vốn đầu tư, ngày 22/5/2018, HUD đã có văn bản xin chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower Sau khi xem xét, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Chấp thuận để HUD nghiên cứu các hình thức kinh doanh đối với tòa nhà HUD Tower với việc chuyển nhượng một phần diện tích sàn văn phòng, diện tích sàn thương mại hoặc chuyển nhượng một phần dự án; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật.
Sắp xếp và xử lý tài sản của loạt dự án
Liên quan đến Tổng HUD, Bộ Xây dựng cũng vừa có ý kiến về việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công của doanh nghiệp này. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND hai tỉnh Khánh Hòa và Đồng Nai về phương án sắp xếp lại, xử lý tổng thể cơ sở nhà, đất của HUD ở hai tỉnh này theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Tổng HUD (ngày 24/5/2018), về phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà, đất tại số 54 Đống Đa, phường Tân Lập (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và tại tỉnh Đồng Nai, căn cứ kết quả kiểm tra hiện trạng, Bộ Xây dựng thống nhất với phương án sắp xếp lại, xử lý tổng thể cơ sở nhà, đất của HUD tại tỉnh này.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND hai tỉnh này xem xét, cho ý kiến về phương án theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Trước đó, ngày 11/5/2018, Bộ Xây dựng cũng có Công văn số 1078/BXD gửi UBND TP Hà Nội đề nghị có ý kiến đối với phương án sử dụng đất và giá đất sau cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ- Tổng Công ty HUD đối với cơ sở nhà, đất tại số 21 phố Kim Đồng, phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là trụ sở trước đây của Tổng HUD.
Theo công văn, Bộ Xây dựng cho hay đang thực hiện CPH Công ty mẹ-Tổng HUD tại thời điểm ngày 01/01/2018. Trên cơ sở đề xuất của HUD ngày 12/4/2018 về việc xin ý kiến về giá đất và phương án sử dụng đất của doanh nghiệp này sau CPH đối với cơ sở nhà, đất tại số 21 phố Kim Đồng với diện tích đất 407,60 m2 và diện tích sàn xây dựng 3.059,60 m2.
Bộ Xây dựng thống nhất với phương án quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất này. Cụ thể, hiện trạng mục đích sử dụng khu đất làm văn phòng làm việc của các đơn vị thành viên. Phương án sử dụng đất sau khi CPH sẽ là nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; mục đích sử dụng tiếp tục sử dụng làm văn phòng làm việc.
Bộ này cũng đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, có ý kiến đối với phương án sử dụng đất sau CPH đối với cơ sở nhà, đất của HUD tại số 21 phố Kim Đồng để Bộ hoàn thiện trong phương án CPH doanh nghiệp này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cho ý kiến về giá đất cụ thể đối với lô đất tại số 21 phố Kim Đồng để Bộ này làm căn cứ xác định lại giá trị quyền sử dụng đất tính vào giá trị doanh nghiệp khi CPH doanh nghiệp này.
Tại kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố tháng 4/2015 chỉ ra sự thiếu trách nhiệm của Ban lãnh đạo Tổng HUD trong việc quyết định đầu tư, kinh doanh dự án đô thị. Cụ thể, từ năm 2011 về trước, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính, quản trị dẫn đến chậm trễ và trì trệ trong việc triển khai, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn. Đẩy HUD và một số đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn. Nợ phải trả lớn, doanh thu, thu nhập giảm mạnh, kinh doanh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo HUD còn có hành vi làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh dự án cho các đơn vị thành viên với quy mô lớn. Tại các dự án đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái Điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của HUD.... |