“Ông lớn” ngoài ngành, “tay chơi” mới lao vào BĐS
Trong khi đại gia không trường sức quẫy đạp để tháo lui thì nhiều “ông lớn” trong các lĩnh vực khác, thậm chí nhiều "tay chơi mới nổi" chưa ai biết tên, lại dốc “hầu bao” đầu tư vào làm dự án bất động sản.
Từ “ông lớn” ngoài ngành….
Cách đây vài năm, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đã đầu tư vào phân khúc khu căn hộ nhưng đã thất bại và nay khi đầu tư trở lại thì “ông chủ ngành tôn” lại có tham vọng trở thành đại gia bất động sản nghỉ dưỡng khi rót 1.200 tỷ đồng vào đầu tư dự án khu Trung tâm thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái rộng khoảng 1,5ha tại tỉnh Yên Bái.
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hiện đang có khá nhiều “ông lớn” đổ tiền đầu tư và chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ thời gian tới. Liệu đây có phải hướng đi đúng, hợp thời điểm của tập đoàn này hay chỉ là hướng đi theo “phong trào”?
Theo tìm hiểu, hiện Tập đoàn Tôn Hoa Sen cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng khác ở Bình Định. Trong đó có một tổ hợp khách sạn, thương mại trên đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn và khu du lịch nghỉ dưỡng Hội Vân (Phù Cát).
Từ “ông lớn” ngoài ngành đến “tay chơi” mới toanh đều “nhảy bổ” vào bất động sản. Ảnh: Minh Thư
Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) ngày càng mở rộng sang lĩnh vực bất động sản khi sở hữu tới 90% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư dự án khu đô thị Sala tại TP.Hồ Chí Minh.
… đến những “tay chơi” mới toanh
Hoạt động ở lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, Tập đoàn Đồng Lực - đơn vị sở hữu Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội cũng khiến giới bất động sản ngạc nhiên khi vừa ra mắt dự án ở vị trí đắc địa khu vực Tây Hồ có tên Hanoi Aqua Central.
Ngoài việc đầu tư vào một số dự án bất động sản Tập Đoàn này còn đầu tư vào các dự án BOT giao thông, khách sạn dưới hình thức thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết.
Một tên tuổi khác mới đây cũng đã đổ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào địa ốc ở Hà Nội, đó là Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh), công ty chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng ở Hà Tĩnh đã thâu tóm mảnh “đất vàng” Cao Su Sao Vàng trên đường Nguyễn Trãi – Hà Nội.
Tập đoàn Sunshine - một cái tên còn khá bí ẩn trên thị trường bất động sản vừa “tấn công” mạnh vào thị trường này bằng động thái ra mắt một số dự án mới ở những vị trí gây chú ý tại Hà Nội như: dự án Sunshine Center ở Cầu Giấy, dự án Sunshine là Sunshine Riverside trong khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, dự án Sunshine Garden ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
Theo thông tin giới thiệu, Sunshine Group là một trong những tập toàn đa ngành do ông Đỗ Anh Tuấn làm Chủ tịch HĐQT. Hiện tập đoàn này đang tập vào các lĩnh vực: Đầu tư; Xây dựng; Thương mại; Dịch vụ; Giáo dục và Truyền thông….
Theo thông điệp của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn này giới thiệu trên website thì khá “hoành tráng” như: “Luôn cẩn trọng trong đầu tư, chúng tôi chỉ đầu tư vào các dự án có vị trí đắc địa, những khu đất “Vàng” của một thành phố văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa. Chúng tôi coi sự duy trì đảm bảo về năng lực tài chính, sự đồng hành của các ngân hàng lớn, sự minh bạch thông tin về quá trình đầu tư, bảo đảm quyền lợi cho đối tác và khách hàng là yếu tố quan trọng nhất, là phương châm tạo lập uy tín của mình…”
Bất động sản có phải “miếng bánh ngon”?
Tuy nhiên, bất động sản là một cuộc chơi không phải ai cũng chơi được tới cùng. Từng có rất nhiều ông lớn nếm “trái đắng” vì sân chơi này.
Điển hình như ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã phải bán tháo các dự án và rút lui khỏi thị trường này.
Gần đây nhất, Tập đoàn Mai Linh chuyên taxi cũng đã rơi vào cảnh nợ nần, mất thanh khoản khi đầu tư vào bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp phải nhìn nhận rằng, thị trường bất động sản mang nặng tính may rủi mà sự thành công chưa chắc đến từ năng lực tài chính mà quan trọng là cách làm thương hiệu, đối diện và xử lý khủng hoảng.
Với những “ông lớn” ngoài ngành đi sau đầu tư vào bất động sản và những “tay chơi” mới hy vọng họ sẽ có những cái nhìn, hướng đầu tư, chiến lược dự phòng rủi ro khi tham gia vào địa ốc vốn được xem là ngành nhạy cảm, nhiều rủi ro để không rơi vào “vết xe đổ” như vài “ông lớn” đã từng dính trước đây.