Ông Đinh Tuấn Minh: Tăng thuế VAT phải có lộ trình, đừng giật cục!

Sự kiện: Kinh Doanh

Ủng hộ chuyển dịch tăng thuế tiêu dùng như thuế VAT của Bộ Tài chính nhưng chuyên gia Đinh Tuấn Minh cho rằng cần đánh giá ảnh hưởng tới từng đối tượng nộp thuế. Bộ phải minh bạch sau tăng thuế sẽ làm gì, nếu chỉ bù đắp bội chi sẽ không thuyết phục.

Bộ Tài chính đưa ra kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% lên 12% nhằm tăng nguồn thu trong bối cảnh nợ công tăng cao. Thông tin này được chuyên gia Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello đánh giá cao sự thẳng thắn của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh, thông tin này gây xôn xao dư luận bởi Bộ Tài chính chưa đưa ra được lý do thuyết phục đối với việc tăng thuế. Vị chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính cần đưa ra thông tin về việc tại sao chọn tăng thuế VAT và nhất là cần phải cho người dân thấy ảnh hưởng của đối tượng chịu tác động.

"Phải có phân tích, chỉ ra việc tăng thuế mang lại lợi ích gì, thiệt hại gì. Và lộ trình phù hợp, có thời gian để áp dụng, mức thay đổi càng lớn thì càng phải có lộ trình dài để thay đổi theo. Đặc biệt là khi sắc thuế tác động tới doanh nghiệp, nếu giật cục chỉ khiến cho doanh nghiệp phá sản", ông Minh chia sẻ.

Ông Đinh Tuấn Minh: Tăng thuế VAT phải có lộ trình, đừng giật cục! - 1

Cũng theo ông Minh, cần phải phân tích giả sử cùng với một lượng thu ngân sách từ thuế, thì việc thu thuế từ thuế thu nhập tốt hơn hay thuế tiêu thụ tốt hơn?

"Quan điểm của tôi là thu thuế từ thuế tiêu thụ tốt hơn và chúng ta cần có một lộ trình để chuyển sang hướng này", ông Minh nói.

Chuyên gia Đinh Tuấn Minh phân tích thêm, tới đây sẽ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và buộc phải cắt giảm thuế xuất nhập khẩu nên phải tìm nguồn thu khác bù vào. Việc dịch chuyển nguồn thu từ thuế thu nhập (thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân) sang thuế tiêu thụ (đặc biệt và VAT) là xu hướng và cũng để giải quyết vấn đề công bằng xã hội.

Tuy nhiên, thep ông Minh lý giải, rất khó xác định thu nhập của một doanh nghiệp để đánh thuế nhưng việc đánh thuế tiêu thụ dễ dàng hơn và không cần lo ngại trốn thuế. Việc đánh thuế thu nhập cũng gây nhiều tranh cãi về việc công bằng, có ý kiến cho rằng người thu nhập cao đang phải đóng nhiều thuế hơn. 

Trong khi đó, với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ, tất cả mọi người đều phải đóng thuế. Người giàu tiêu thụ nhiều sẽ phải đóng thuế nhiều, người nghèo tiêu thụ ít sẽ phải đóng thuế ít.

Hiện nay, thuế VAT có xu hướng tăng tỷ trọng nhanh và trở thành nguồn thu nhiều nhất, hơn cả nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, có thể thấy xu hướng thu thuế từ thuế VAT là thứ dễ dàng hơn, không vấp phải tình trạng trốn thuế như thu nhập doanh nghiệp hay các loại thuế khác.

"Việc tăng nhanh thuế tiêu thụ trước mắt làm giảm tổng cầu (giảm mức tiêu thụ), ảnh hưởng tới tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn thì sẽ làm tăng tiết kiệm, tăng đầu tư, kích thích tăng trưởng", ông Minh khẳng định.

Ông phân tích, hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập thực chất là hệ thống thuế đánh vào tiết kiệm. Nó khiến cho giảm đầu tư và giảm tăng trưởng kinh tế về dài hạn. Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ lại khuyến khích tiết kiệm và đầu tư, do vậy tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho nền kinh tế. Làm tăng thu nhập của người dân và dẫn đến tăng chi tiêu trong tương lai.

Vị chuyên gia này cho rằng, lý giải của Bộ Tài chính đưa ra nếu đồng hành với cắt giảm thuế thu nhập sẽ hợp lý. Nhưng nếu mục đích điều chỉnh nhằm tăng thuế tổng thể chỉ để bù đắp cho chi tiêu công lại là không thuyết phục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.A (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN