Ổn định tỉ giá sẽ khó khăn hơn
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời triển khai các giải pháp nhằm ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, can thiệp thị trường khi cần thiết.
Phiên giao dịch ngày 14-2, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.235 đồng/USD, tăng nhẹ so với phiên trước và đã tăng 11 đồng/USD kể từ đầu tuần. Giá USD trong các NH thương mại cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh, phổ biến mua vào 22.700 đồng/USD, bán ra 22.770 đồng/USD, tăng 40 đồng/USD so với phiên trước. Từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, tỉ giá trung tâm liên tục đi lên và nhiều ý kiến nhận định việc ổn định tỉ giá trong năm nay sẽ khó khăn hơn.
Nhiều yếu tố không thuận lợi
Trong báo cáo tình hình kinh tế năm 2016 và dự báo 2017, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nhận định mục tiêu ổn định tỉ giá trong năm nay sẽ khó khăn hơn do một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỉ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng nhân dân tệ, euro. Lạm phát cũng có khả năng tăng trong năm 2017 khi giá hàng hóa thế giới phục hồi. Cụ thể, lạm phát sẽ phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh giá dịch vụ công theo 2 kịch bản: giá dịch vụ công không điều chỉnh, lạm phát dự báo ở mức 4% và giá dịch vụ công điều chỉnh bằng một nửa mức điều chỉnh trong năm 2016, lạm phát được dự báo ở mức 5%.
Đồng thời, tỉ giá trong năm nay còn chịu áp lực từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm trước. Theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, về phía cán cân thương mại, năm 2017 nhập khẩu được dự báo sẽ tăng cao hơn khi tăng trưởng phục hồi. Trong khi đó, xuất khẩu có thể gặp khó khăn khi cầu thế giới chậm phục hồi, năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng khi đồng tiền của các nước đối thủ mất giá mạnh so với USD. Trong khi giá hàng hóa cơ bản thế giới năm 2017 dự báo tăng và phân tích cho thấy giá hàng hóa cơ bản thế giới có tác động ngược chiều đến cán cân thương mại của Việt Nam.
Về cán cân vốn, chính sách của tổng thống mới đắc cử Mỹ khiến chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ quay trở lại, trong đó có việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỉ giá giảm giá mạnh so với USD Ảnh: Hồng Thúy
Hiệu quả từ cơ chế tỉ giá trung tâm
Việc tỉ giá tránh được những cú sốc lớn trong năm 2016 một phần lớn nhờ NHNN áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm, tỉ giá biến động hằng ngày theo cung cầu thị trường. Trong báo cáo kinh tế Việt Nam quý IV/2016 vừa được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) phân tích việc áp dụng cơ chế tỉ giá trung tâm linh hoạt đã giúp tỉ giá có một năm tương đối ổn định, hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc lớn bên ngoài.
Theo đó, tỉ giá tham chiếu cuối năm chỉ tăng 1,18% so với đầu năm 2016 ở ngưỡng 22.154 đồng/USD. Biến động tỉ giá chủ yếu diễn ra trong quý IV sau 2 sự kiện lớn ở Mỹ là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khiến đồng USD mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền lớn khác và dẫn tới xáo trộn trên thị trường tỉ giá của Việt Nam. Có điều, theo VEPR, nếu theo dõi trên thị trường liên NH có thể thấy cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định. Và khả năng can thiệp của NHNN là có thể do lượng dự trữ ngoại hối dồi dào giúp ổn định thị trường. Dự trữ ngoại hối đã tiếp tục được bổ sung và nâng lên mức 41 tỉ USD vào cuối năm 2016.
Đại diện NHNN cho biết trong điều kiện thị trường tài chính thế giới năm 2017 dự kiến có diễn biến phức tạp với sự thay đổi các chính sách kinh tế của Mỹ, FED tiếp tục tăng lãi suất… NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ để triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp nhằm ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ, tiếp tục điều hành tỉ giá trung tâm linh hoạt và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết.