Ồ ạt “Nam tiến”, DN phía Bắc nếm trái đắng

Sông Đà Thăng Long, Vinaconex Xuân Mai… là những doanh nghiệp bất sản phía Bắc bước đầu đã thất bại khi quyết định xâm nhập thị trường phía Nam.

Sự năng động và thủ tục đầu tư dễ dàng khiến các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc ồ ạt “Nam tiến” với hy vọng sẽ hái được quả ngọt sau 2 - 3 năm đầu tư. Tuy nhiên, những diễn biến bất lợi của thị trường khiến các doanh nghiệp này phải nhận trái đắng và đang cố gắng đẩy các dự án này đi để tập trung cho thị trường mà mình có thế mạnh.

CTCP Sông Đà Thăng Long là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong phong trào “Nam tiến” với hàng loạt dự án như Chung cư cao cấp Tân Kiểng với 5 khối căn hộ cao cấp từ 18-22 tầng (tổng số 550 căn hộ) dự kiến khởi công vào 2011 và hoàn thành vào 2013; Nhà Bè Complex housing; tổ hợp chung cư Trương Đình Hội; Chung cư cao cấp Usilk Apartment tại quận 7, TP. HCM với 78 căn hộ sang trọng, dự kiến khởi công vào 2010 và hoàn thành vào 2012; Khách sạn Dragon Pia tại Nha Trang; Khu đô thị mới Cồn Tân Lập (Nha Trang); Khách sạn 5 sao U-Hotel Huế; Chung cư cao cấp Uplaza (Nha Trang); Dự án U flower Đà lạt.

Hiện phần lớn các dự án này đều dang dở và chưa có sản phẩm hoàn thiện để có thể bán thu được tiền, trong khi Công ty đang gặp khó khăn về mặt tài chính để triển khai các dự án khác. Chính vì vậy, công ty này đang tích cực chào bán các dự án trên để có tiền tập trung cho một số dự án dễ khai thác.

Ngoài Sông Đà Thăng Long, Vinaconex Xuân Mai cũng là doanh nghiệp có tham vọng mở rộng thị trường phía Nam khi mua lại và đầu tư vào các dự án ở các quận ven trung tâm TP. HCM. Bằng công nghệ xây dựng nhanh, tiết kiệm chi phí, Vinaconex Xuân Mai tự tin có thể đưa ra các sản phẩm căn hộ có giá thành khoảng 10 - 11 triệu đồng/m2 và cạnh tranh tốt với các sản phẩm của doanh nghiệp phía Nam.

Tuy nhiên, theo một đối tác lớn của Vinaconex Xuân Mai, Công ty không có được lợi thế về giá đất rẻ do đi sau so với các doanh nghiệp địa phương, cùng với những diễn biến bất lợi của thị trường bất động sản, nên nếu có tiếp tục triển khai dự án thì tính hiệu quả cũng không cao. Vì vậy, Vinaconex Xuân Mai dự kiến sẽ tìm đối tác bán lại một số dự án tại phía Nam trong năm 2012.

Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), một “ông lớn” trong ngành bất động sản đã nhìn trước được những khó khăn của các doanh nghiệp phía Bắc khi xâm nhập vào thị trường phía Nam. Chính vì vậy, tập đoàn này đã phủ quyết phương án đầu tư dự án ở phía Nam của HUD3 (một công ty con của Tập đoàn) và đề nghị công ty này nên tập trung cho các dự án ở phía Bắc.

Ồ ạt “Nam tiến”, DN phía Bắc nếm trái đắng - 1

Sông Đà Thăng Long là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong phong trào "Nam tiến"

Lý giải lý do các doanh nghiệp phía Bắc ồ ạt “Nam tiến”, tổng giám đốc một công ty bất động sản cho biết, thị trường miền Nam thủ tục hành chính thông thoáng, hơn nữa việc mua gom giá trị quyền sử dụng đất diện tích lớn từ các cá nhân khá dễ dàng. Các doanh nghiệp cũng nhìn nhận đây là một thị trường có nhu cầu lớn, đời sống kinh tế sôi động nên khả năng thành công của các dự án rất cao. Song đúng lúc các doanh nghiệp kỳ vọng nhất thì cơn “bĩ cực” của thị trường bất động sản ập đến khiến nhiều doanh nghiệp bước đầu thất bại khi xâm nhập thị trường phía Nam.

Việc chuyển nhượng dự án hoặc tìm kiếm đối tác liên kết thực hiện dự án có lẽ là lối thoát tốt nhất với các doanh nghiệp bất động sản phía Bắc lúc này. Tuy nhiên, việc bán dự án trong bối cảnh thị trường hiện nay không phải dễ. Các đối tác mua dự án đang là những người nắm đằng chuôi và họ chỉ mua các dự án đắc địa, không mua dự án có vị trí xấu.

Tuần qua, Bộ Xây dựng đã hoàn tất việc thống kê hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản, vật liệu xây dựng cũng như ghi nhận những khó khăn của các doanh nghiệp để trình Thủ tướng Chính phủ. Xem ra, giờ đây, chỉ còn duy nhất một nhân tố có thể cứu vãn tình thế cho doanh nghiệp bất động sản: chính sách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Ngọc ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN