Nuôi con tiền tỷ: Đeo kính cho loài chim "đẻ" lãi như "máy in tiền"
Tính riêng nuôi 100 chim trĩ xanh sinh sản, vài năm qua, bà Vũ Thị Lành (SN 1962), ở đội 7, HTX Quyết Thắng, (xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đã vươn lên hàng tỷ phú. Những cá thể chim trĩ xanh "siêu mắn đẻ" được ví như "máy in tiền" đem lại nguồn lợi lớn cho gia đình bà. Kể về "bí kíp" làm giàu, nữ tỷ phú có một tuyệt chiêu vô cùng độc đáo: Đeo kính cho "máy tin tiền"...
Chim trĩ xanh có giá trị kinh tế cao (Ảnh: TD)
Lợi nhuận không ngờ
Chim trĩ xanh thuần chủng hay còn gọi là chim trĩ đen (Black Pheasants) có nguồn gốc từ 1 số nước Châu Âu. Những năm trước đây, do giá nhập khẩu cao việc mua giống thuần chủng loài chim này trên thị trường Việt Nam rất khó khăn.
Câu chuyện làm giàu từ nghề nuôi chim trĩ xanh đối với gia đình bà Lành bắt đầu từ năm 2012. Ngày ấy, tình cờ biết đến giống chim quý qua kênh truyền hình, nữ nông dân nảy sinh ý định chăn nuôi.Bà nhờ người con trai hay đi công tác các tỉnh tìm mua chim trĩ xanh thuần chủng.
Chim trĩ xanh trưởng thành ở trang trại của bà Vũ Thị Lành (Ảnh: TD)
Con trai bà Lành phải lặn lội đi các tỉnh Tây Bắc, cho đến vào tận Thanh Hóa để lùng mua giống chim quý. Qua hàng chục chuyến đi, người con mới mua được cho bà Lành 10 con chim trĩ xanh thuần chủng với giá 2 triệu đồng/ con. Qua hơn 8 tháng nuôi, lứa chim trĩ xanh đầu tiên của gia đình bà bắt đầu sinh sản.
Bà kể, không ngờ giống chim trĩ xanh sinh sản hiệu quả đến thế, 1 con chim mái cho tới 15 quả trứng/ tháng. Tỷ lệ ấp nở cao, chẳng mấy chốc số lượng chim trĩ xanh tăng lên nhanh chóng. Sau 15 tháng nuôi, ngoài giữ lại được 100 con để nuôi sinh sản, bà còn bán được hơn 500 chim trĩ giống thu về gần 100 triệu đồng.
Nữ nông dân Vũ Thị Lành thành công với mô hình nuôi chim trĩ (chim trĩ xanh, chim trĩ đỏ) quý hiếm (Ảnh: TD)
Bước sang năm thứ ba, chỉ với 100 chim trĩ xanh sinh sản bà Lành có được trên 6.000 chim giống bán ra thị trường, với giá gần 200 nghìn đồng/ con, thu về gần 1,1 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, bà Lành lãi ròng hơn 900 triệu đồng.
Bà Lành chia sẻ: "Ngày ấy ít người nuôi, chim trĩ giống và thương phẩm đều bán được giá cao; con giống 1 tháng tuổi được giá từ 1.60-200 nghìn đồng/ con; chim thịt giá 600.000-900.000 đồng/ con; chim cảnh bán tới gần 3 triệu đồng/ cặp. Giờ người ta nuôi nhiều, giá xuống thấp hơn".
Với 100 chim trĩ sinh sản, mỗi năm tạo ra gần 10.000 trứng, tỷ lệ ấp nở 70%, đem lại nguồn thu khổng lồ cho chủ trang trại (Ảnh: TD).
Tuy nữ tỷ phú khiêm tốn nói giá xuống thấp hơn, nhưng ở thời điểm hiện tại, bà Lành vẫn xuất bán chim trĩ xanh giống với giá 90.000 đồng/ con; chim thương phẩm giá 600.000 đồng/ con (1,4-1,7kg/ con). Năm 2016, chỉ tính đàn chim trĩ xanh, bà vẫn thu lãi trên 500 triệu đồng.
Trung bình mỗi năm, bà Lành cung cấp 6.000 chim trĩ giống ra thị trường (Ảnh: TD)
Bà Lành tâm sự, nghề nuôi chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao; 1 nhân công có thể nuôi 130 chim trĩ sinh sản, hoặc 1.000 chim trĩ thương phẩm. Mỗi ngày, chỉ cho ăn 2 lần. Minh chứng là ngoài nuôi 100 chim trĩ xanh bố mẹ, bà Lành còn nuôi 300 chim trĩ đỏ sinh sản. Mặc dù, giá trị kinh tế thấp hơn chim trĩ xanh, nhưng đàn chim trĩ đỏ cũng mang lại lợi nhuận không dưới 500 triệu đồng/ năm cho nữ "trại chủ".
Tuyệt chiêu sáng tạo đeo kính cho chim
Chia sẻ về bí kíp làm giàu, người phụ nữ thành công không ngại ngần thổ lộ kỹ thuật nuôi giống chim - "máy in tiền". Chủ trang trại cho biết, chim trĩ xanh ít bệnh tật, nuôi khá dễ dàng.
Khó nhất, ở thời điểm mới bóc trứng, người nuôi cần theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Do chim trĩ ưa nóng, nên phải úm con giống mới nở dưới nhiệt độ 32-35 độ C trong vòng 1 tháng; thức ăn chủ yếu trong tháng đầu tiên và tháng thứ hai là cám công nghiệp dành cho gà con.
Bà Lành nghĩ ra tuyệt chiêu đeo kính cho loài chim - "máy in tiền" (Ảnh: TD)
"Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5 cho ăn ngô, thóc, cám gà, bèo, rau xanh. Lưu ý, không lấy bèo ở sông vì có thể bị nhiễm khuẩn; rau cỏ phải sạch không phun thuốc. Từ 5 tháng tuổi trở đi, không cho ăn bèo, lúc này, thức ăn cho chúng là ngô, thóc và cám công nghiệp. 1 con chim trĩ xanh từ khi nở đến khi trưởng thành chỉ tiêu tốn hết 70.000 đồng chi phí thức ăn", bà Lành nói.
Những chiếc kính nhựa như thế này chỉ có giá 2.000 đồng nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi chim trĩ (Ảnh: TD).
Về chuồng trại, bà Lành chia sẻ, cứ 2 chim trĩ xanh sinh sản cần 1m2; có thể nuôi ghép bộ: 1 trống ghép 4 mái, hoặc nuôi quần tụ. Trong đó, nuôi ghép bộ đem lại hiệu quả cao hơn. Chuồng nuôi được làm bằng vật liệu tre, nứa, hoặc dựng cột bê tông, quây lưới, lợp ngói, hoặc mái tôn.Nền chuồng dải 1 lớp cát vàng và sỏi dày 6cm. Quá trình nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý phân chim, mỗi tháng khử trùng chuồng trại 2 lần.
Nữ trại chủ bảo, sau khoảng 8,5 tháng, chim trĩ xanh sẽ trưởng thành và sinh sản; chim mái nặng 1,4- 1,5kg; chim trống từ 1,6-1,7kg/ con. Chim mái đẻ cách nhật, 1 con chim mái đẻ 15 trứng/ tháng. Trong 7 tháng đầu từ khi chim mái sinh sản tỷ lệ trứng ấp nở tốt nhất đạt 70%, ngoài 7 tháng sẽ thải đàn bán thương phẩm và gây đàn chim bố mẹ mới.
Cận cảnh chim trĩ xanh đeo kính ngộ nghĩnh và ấn tượng tại trại chim trĩ của gia đình bà Lành (Ảnh: TD).
Vẫn lời chủ trại, chim trĩ xanh thường đẻ vào 6 giờ và 18 giờ hàng ngày, cứ 20 phút, chủ trại lại nhặt trứng 1 lần. Loài chim này hay mổ trứng, vì vậy, để bảo vệ trứng, phòng tránh các cá thể đánh nhau bà Lành sáng tạo tuyệt chiêu độc đáo mua kính nhựa đeo cho từng con.
"Loại kính nhựa này rất rẻ có 2.000 đồng/chiếc, tiện lợi, dễ mua. Giúp che khuất tầm mắt của chim trĩ, vừa bảo vệ trứng, lại phòng được chúng đánh nhau. Hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt, người nuôi giống gà nào dữ hay mổ nhau cũng có thể áp dụng", bà nói...