Nóng tuần qua: Vinmart của ông Phạm Nhật Vượng thâu tóm chuỗi siêu thị vị trí đẹp
Hai dự án nghìn tỷ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang gây xôn xao dư luận tuần qua. Một vụ việc đáng chú ý không kém là sau cuộc “hôn nhân” với Tập đoàn Nhật Bản AEON tan vỡ, Fivimart đã phải bán mình cho Vingroup.
Đề xuất giao đất vàng sân vận động Hàng Đẫy cho bầu Hiển
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng dự án tổ hợp thể thao SVĐ Hàng Đẫy.
Tổng vốn đầu tư dự kiến để thực hiện dự án này là 6.309 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp được đề nghị giao khu đất này là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển).
TP Hà Nội nêu quan điểm, dự án là trường hợp đặc thù, đặc biệt, cần triển khai nhanh nên đề nghị giao hơn 3,2 ha đất này cho Tập đoàn T&T theo phương thức đặc thù. Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.
Dự kiến nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thì đến tháng 10-2021, dự án sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhằm kịp thời phục vụ SEA Games 31.
Fivimart phải "bán mình" cho Vingroup
Sau khi hoàn tất sáp nhập, hệ thống Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.
Tập đoàn Vingroup trong tuần đã phát đi thông báo hoàn thành việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart.
Theo đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, công ty con của Vingroup chính thức nắm giữ toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart. Sau khi hoàn tất sáp nhập, hệ thống Fivimart sẽ được đổi tên thành VinMart.
Trước đó, Tập đoàn Nhật Bản AEON đã ngưng hợp tác với phía Fivimart sau thời gian liên tục lỗ.
Theo thống kê, đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart sau 3 năm hợp tác với Aeon Việt Nam lên tới gần 200 tỉ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỉ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.
Hiện Fivimart đã có 23 siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các điểm đều xuất hiện ở các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương.
Chứng khoán Việt mất 165.000 tỷ trong ngày đẫm nước mắt
Hàng loạt cổ phiếu lớn nằm sàn kéo thị trường chứng khoán ngày 11/10 rực lửa. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10, VN-Index giảm hơn 48 điểm, tương ứng giảm 4,84% xuống 945,89 điểm. Phiên giảm mạnh này dẫn đến vốn hóa sàn HoSE bị bốc hơi 153.000 tỷ đồng.
Tổng cộng 2 sàn niêm yết cùng với Upcomm vốn hóa thị trường đã giảm tổng cộng gần 165.000 tỷ đồng, tương đương gần 7,2 tỷ USD.
Giới đầu tư Việt hoảng loạn bởi tác động từ thị trường chứng khoán thế giới. Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones giảm tới 831,83 điểm, tương đương 3,15%, S&P 500 giảm 94,66 điểm, tương đương 3,29%. Sau Mỹ, chỉ số Hang Seng tại sàn Hong Kong và chỉ số Shanghai Composite tại sàn Thượng Hải cũng nối gót mất điểm mạnh.
Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh sau khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ tăng khiến nhiều nhà đầu tư né tránh tài sản rủi ro. Yếu tố kết hợp là nỗi lo từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gay gắt hơn bao giờ hết khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng sẽ áp thuế quan bổ sung lên 267 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc .
Thuế môi trường với xăng dầu tăng 1.000 đồng, lạm phát thêm 1,6%
Theo nghiên cứu của VEPR, tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong năm tới.
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được VIện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố cho thấy, lạm phát năm 2019 có thể vượt xa mục tiêu 4% của Chính phủ.
Nguyên nhân bởi việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm sau (từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít) sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới.
Trước đó, theo báo cáo đánh giá tác động về tăng thuế môi trường với xăng, dầu được Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ khiến lạm phát 2019 tăng 0,07 - 0,09%.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của VEPR, quy định mới có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong một năm tới.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng kiến nghị thay đổi thời gian áp dụng biểu thuế bảo môi trường với xăng, dự kiến áp dụng từ 1/1/2019.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng thời điểm này sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2019.
Xôn xao đề xuất xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm
Ủy ban Nhân dân TP HCM vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ.
Ủy ban Nhân dân TP HCM vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Tại kỳ họp thứ 10 (bất thường) HĐND TP HCM khoá IX tuần qua, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, kinh phí lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).
Với kế hoạch này, có đại biểu đã bày tỏ sự vui mừng khi dự án được triển khai tại TP HCM, chờ mong có nơi xứng tầm để thỏa mãn sự sáng tạo, cống hiến của nghệ sĩ.
Tuy nhiên, có ý kiến cũng nêu lên, 1.500 tỷ là số tiền lớn, làm được rất nhiều việc. Trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền này cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Ngừng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu, mức chi quỹ cho xăng E5RON92 lên tới gần 1.600 đồng/lít nhưng giá mặt hàng này vẫn...