Nóng tuần qua: Phí, giá lẫn lộn, chắt trà đá ra tiền tỷ

Sự kiện: Kinh Doanh

“Trạm thu phí” hay “trạm thu giá”, từ nào có nghĩa và từ nào là vô nghĩa, vì sao không đơn giản là “trạm thu tiền”. Cách dùng từ kỳ lạ của cơ quan chức năng đã gây nên làn sóng tranh cãi lớn trong dư luận. Đó chỉ là một phần trong những sự kiện nóng tuần qua.

Đổi “phí” thành thu “giá” để dễ tăng mức thu?

Nóng tuần qua: Phí, giá lẫn lộn, chắt trà đá ra tiền tỷ - 1

Trạm “thu giá” mọc lên khắp nơi thay “thu phí” như trước kia.

Cộng đồng mạng đã có một tuần bình luận ngập tràn khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời bên lề Quốc hội về việc đổi khái niệm từ "thu phí" sang "thu giá" trong BOT giao thông.

Trước đây mỗi lần điều chỉnh mức phí theo Bộ trưởng Thể là rất khó khăn vì việc này thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân đân địa phương. “Nay chuyển sang giá, bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy nhưng chúng tôi sẽ điều chỉnh một cách nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực”, Bộ trưởng Thể lên tiếng.

Thế nhưng, điều mà nhiều bình luận nêu lên là: Phải chăng với việc từ thu phí sang thu giá, cơ quan chức năng đã lấy được thanh thượng phương bảo kiếm để linh hoạt điều chỉnh giá. Sự linh hoạt này không chỉ là giảm giá, mà có thể còn là tăng giá.

"Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới"

Nóng tuần qua: Phí, giá lẫn lộn, chắt trà đá ra tiền tỷ - 2

Tỷ suất lợi nhuận của người bán trà đá có thể là 5000-7000%.

Đây là câu nói đã được đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu lên tại nghị trường. Tỷ suất lợi nhuận này theo ông có thể 5.000-7.000%. Thế nhưng, vấn đề là những người này lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người quản lý thị trường.

Mức tỷ suất trên cụ thể ra sao và ông Tiến dựa vào đâu để tính ra số này thực tế vẫn chưa được ông nói rõ. Đó là lời cảnh báo của vị đại biểu Quốc hội với chính sách thuế, cách thu thuế của Việt Nam trước thực tế thất thu dễ nhận ra.

Nhiều bộ bị phê bình vì giải ngân “rùa bò”

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều bộ đang quá chậm đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Năm 2018, Bộ Y tế phải giải ngân 5.260 tỷ đồng; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là 337 tỷ đồng;  Bộ Giáo dục và Đào tạo là hơn 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4, tỷ lệ giải ngân của Bộ Y tế chỉ là 1,36% (khoảng 72 tỷ đồng), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đạt 6,28%, cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ giải ngân được 17%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với 3 bộ trên đã yêu cầu ban cán sự Đảng 3 bộ tổ chức kiểm điểm, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan thuộc về các bộ, xác định trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu. Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gây bão

Nóng tuần qua: Phí, giá lẫn lộn, chắt trà đá ra tiền tỷ - 3

Việc giao đất ở nhiều địa phương không qua đấu giá khiến ngân sách hụt thu hàng nghìn tỷ đồng.

Một loạt vi phạm của các dự án, bộ, ngành, địa phương đã Kiểm toán Nhà nước nêu lên trong báo cáo kiểm toán 2017 gửi Quốc hội.

Đơn cử là những sai sót tại các trạm BOT như: vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, vấn đề nghiệm thu, thanh toán còn sai sót; chất lượng thi công chưa đảm bảo... Kiểm toán đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467 tỉ đồng.

Hay như vấn đề giao đất tại các địa phương. Theo báo cáo, đa số địa phương được kiểm toán không thực hiện đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư. Điều này theo đánh giá vi phạm Luật Đấu thầu và các Nghị định của Chính phủ. Qua kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu, giảm chi 3.856 tỷ đồng và kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng.

Nóng tranh cãi ưu đãi đặc khu

Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) tỏ ra lo lắng: Cho thuê đất ở đặc khu tới 99 năm nhưng nếu sau 10, 20 năm doanh nghiệp phá sản thì giải quyết thế nào? Ai sẽ quản lý việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng?

Đề xuất ưu đãi thuế cho hơn 100 ngành khiến nhiều người lo ngại về sự dàn trải trong khi có thể chỉ cần ưu đãi vào những ngành nghề khuyến khích phát triển.

Luật đang được đề xuất theo nguyên Thứ trưởng bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đưa rất nhiều ưu đãi thuế mà "có lẽ chỉ thua các thiên đường thuế".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Khôi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN