Nóng tuần qua: Hồi hộp chờ tăng lương
Một tuần "mát lòng mát dạ" với người dân khi một loạt thông tin vui xuất hiện. Gần gũi nhất là thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu giữ nguyên, đồng nghĩa, giá xăng, dầu chưa thể tăng. Ngoài ra, kế hoạch tăng phí rút tiền ATM của các ngân hàng lớn cũng đã phải dừng lại sau khi bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Thế nhưng, cũng có không ít những thấp thỏm, khi lương tối thiểu vẫn đang nằm trên bàn giằng co.
“Tuýt còi” 4 ngân hàng tăng phí ATM
Bốn ngân hàng lớn là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV chưa thể tăng phí rút tiền ATM sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức "tuýt còi".
Trước đó, Vietcombank đã thông báo sẽ tăng phí rút tiền nội mạng ATM từ 1.100 đồng/lần lên 1.650 đồng/lần từ ngày 15/7. Ngoài ra phí chuyển khoản liên ngân hàng trên ATM cũng tăng lên 3.300 đồng/giao dịch. Không chỉ Vietcombank, các ngân hàng lớn còn lại cũng có ý định tương tự. Theo các ngân hàng, nếu tính đầy đủ, mức thu phí hiện nay không bù đắp được chi phí.
Trước phản ứng dư luận, Ngân hàng Nhà nước đã bày tỏ quan điểm, các ngân hàng phải minh bạch hóa thông tin trước khi tăng phí rút tiền ATM nội mạng, không được đưa thông tin quá đường đột đến người tiêu dùng. Cơ quan quản lý cho rằng, khi chưa có sự đồng thuận của người dân thì chưa thể tăng phí ở thời điểm này.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, khi chưa có sự đồng thuận của người dân thì chưa thể tăng phí ATM ở thời điểm này.
Hồi hộp chờ tăng lương tối thiểu vùng
Kết thúc phiên họp thứ nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia chiều 9/7, hai quan điểm trái ngược đã được nêu lên.
Ông Mai Đức, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng lương tối thiểu vùng năm 2019 cần phải tăng 8%. Tăng theo phương án này sẽ đáp ứng được hơn 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Tuy nhiên, phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì lại có quan điểm, năm 2019 không nên tăng lương tối thiểu. Điều này nhằm “bồi dưỡng” sức doanh nghiệp, dồn nguồn lực tài chính cho hoạt động đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động, từ đó tăng năng suất lao động. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I vẫn là 3,98 triệu đồng/tháng, vùng II là 3,53 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,09 triệu đồng/tháng, và vùng IV là 2,76 triệu đồng/tháng.
Phiên họp kết thúc mà chưa thể tìm thấy tiếng nói chung giữa cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động và cơ quan bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
Trả lại tên cho “trạm thu phí”
Các nhà đầu tư dự án BOT được yêu cầu đổi tên “trạm thu giá” thành “trạm thu phí” trước 20/7.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tuần qua đã có văn bản gửi các nhà đầu tư dự án BOT yêu cầu đổi tên “trạm thu giá” thành “trạm thu phí”.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đề nghị thay thế từ "giá" bằng từ "phí" trong các cụm từ "trạm thu giá", "biểu giá", "mức giá" trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, tên bảng niêm yết mức thu và trên vé thu tại các trạm thu phí. Thời gian hoàn thành các công việc trên trước ngày 20/7.
Trước đó, hàng loạt biển 'thu phí” của các BOT đã bị đổi tên thành 'thu giá'. Sự thay đổi khiến dư luận băn khoăn bởi phí là khoản tiền thu ổn định, muốn thay đổi nó phải có lộ trình, phải có một thông tư riêng nhưng giá luôn thay đổi, chỉ có thị trường mới điều tiết được giá mà chẳng cơ quan chức năng nào có thể can thiệp được.
Chưa tăng thuế môi trường với xăng dầu
Ngày 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của về biểu thuế bảo vệ môi trường. Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị “cần cân nhắc việc tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng”.
Lý do bởi, hiện CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4%. Ngoài ra, cần cân nhắc để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Với quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xăng dầu sẽ chưa tăng thuế như đề xuất của Chính phủ. Trước đó, tại tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề nghị xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, các loại dầu cũng tăng thêm 1.100-1.700 đồng/lít lên mức mới là 2.000 đồng/lít.
Với quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xăng dầu sẽ chưa tăng thuế như đề xuất của Chính phủ.
Grab sẽ phải dán biển "Xe hợp đồng điện tử"
Bộ Giao thông - Vận tải vừa được đưa ra lấy ý kiến dự thảo thay thế nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Theo đó, nếu sử dụng những ứng dụng đặt xe Grab hay các phần mềm tương tự, taxi phải có hộp đèn mang chữ "taxi điện tử". Nếu áp dụng trên xe hợp đồng thì phải niêm yết chữ "xe hợp đồng điện tử".
Ngoài ra, với kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, dự thảo cho phép tính cước thông qua phần mềm thay vì chỉ qua đồng hồ như hiện nay, nhưng phải có hộp đèn mang chữ "taxi điện tử" gắn cố định trên nóc xe.