Nóng tuần qua: Giá xăng “còng lưng” cõng thuế, đất vàng cho thuê rẻ như cho
Thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lên kịch trần, đất vàng quận 1 thành phố Hồ Chí Minh cho thuê rẻ như cho hay bong bóng bất động sản có thể vỡ,… là những nội dung được bàn luận nhiều nhất trong tuần qua.
Giá xăng “cõng” thuế môi trường tới 4.000 đồng/lít
Bộ Tài chính trong tuần đã chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng được đề xuất tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch trần là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít,…
Giá xăng, dầu có thể tăng tới 1.000 đồng/lít nếu đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường được thông qua.
Không phải là đề xuất mới nhưng sự nhấn nhá của Bộ Tài chính khiến nhiều người không khỏi lo lắng. Đề xuất này được đưa ra lần đầu vào tháng 2 năm nay. Ngay lập tức, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều bởi xăng, dầu là đầu vào của cả nền kinh tế. Việc tăng thuế, đồng nghĩa với tăng giá xăng dầu, không chỉ ảnh hưởng tới giá cả sinh hoạt, đời sống người dân mà còn cả doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong công bố mới đây của Bộ Tài chính, cơ quan này cho rằng, phần lớn ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, địa phương tỏ ra đồng tình với đề xuất trên.
Đất vàng quận 1 cho thuê với giá rẻ như cho
Vụ việc thu hồi đất tại khu đô thị Thủ Thiêm chưa lắng xuống thì thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa khiến dư luận chú ý bởi kết quả thanh tra “đất vàng” tại quận 1.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, khu đất số 8-12 Lê Duẩn lợi thế đặc biệt về thương mại (có 3 mặt tiền tiếp giáp các tuyến đường trung tâm) với diện tích tới gần 5.000 m2 đã được UBND TP.HCM cho doanh nghiệp thuê với giá chỉ 3,5 triệu/m2/năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue là đơn vị thuê đất.
Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng, giá thị trường trên mặt đường khu vực này vào khoảng 400 triệu đồng/m2.
Cùng với một số Sai phạm của UBND TP.HCM và các sở, ngành, các doanh nghiệp liên quan theo Thanh tra Chính phủ là có dấu hiệu của việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Giá thị trường một số khu đất vàng quận 1 có giá thực khoảng 400 triệu đồng/m2 trong khi doanh nghiệp được thuê với mức 3,5 triệu đồng/m2.
“Việt Nam đã có 8/10 dấu hiệu bong bóng bất động sản”
Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viên nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra cảnh báo này tại Diễn đàn Bất động sản 2018 chiều 17/5.
Ông Chung kể ra một loạt những dấu hiệu đang xuất hiện ở Việt Nam như: Giao dịch tăng; Giá tăng; Các công trình khởi công tăng; Địa bàn triển khai tăng; Chủ thể tăng; Quy mô dự án tăng,… Theo vị này, chỉ còn 2 nguồn nữa là Việt Nam sẽ lặp lại khủng khoảng 2000-2009 là tăng đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất tăng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tuần này cũng đã lên tiếng đề nghị Chính phủ chú ý “bong bóng” bất động sản.
Giật mình thanh toán chui nhân dân tệ qua POS
Sự kiện đáng chú ý tuần qua là tại Hạ Long (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) đã chuyển thẳng ra nước ngoài qua máy chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng (POS). Nguy hiểm là, tiền chuyển ra nước ngoài không qua bất cứ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.
200.000 nhân dân tệ (khoảng 700 triệu đồng) đã chuyển thẳng ra nước ngoài qua máy POS, không hề qua ngân hàng hay tổ chức trung gian.
Ngay sau đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phải có công văn yêu cầu chi nhánh Ngân hàng nhà nước tại các tỉnh thành phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra và phát hiện thanh toán chui bằng ngoại tệ.
Theo đánh giá, hoạt động thanh toán chui này không chỉ ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ quốc gia, vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước mà còn gây thất thoát thuế.
Vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu phạm luật
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có kết quả điều tra sơ bộ liên quan đến việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á.
Trước đó, trong văn bản giải trình, GrabTaxi khẳng định, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam thấp hơn 30%.
Tuy nhiên, kết quả của Bộ Công Thương cho thấy, việc tập trung kinh tế giữa hai doanh nghiệp này khiến thị phần vượt ngưỡng 50%. Điều này chứng tỏ thương vụ trên đã có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh 2004.
Theo quy định, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường mà không thông báo cho cơ quan Nhà nước trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.