Nóng tuần qua: “Đại gia” đa cấp sụp đổ, cả nghìn người chưa đòi tiền?
Hơn một năm sau khi Thiên Ngọc Minh Uy “chết”, cái tên từng nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng vẫn khiến nhiều người tròn mắt vì báo cáo mới nhất. Có kịch bản tương tự, Uber cũng là cái tên đi vào quá khứ ở Việt Nam. Thế nhưng, những gì Uber bỏ lại đang làm cơ quan chức năng trăn trở.
Sau vụ ồn ào bổ nhiệm, ACV lộ hàng loạt sai phạm
Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang là cái tên nóng nhất trong 2 tuần gần đây.
Dư luận chưa hết ồn ã sau vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ký 104 quyết định bổ nhiệm nhân sự trước khi nghỉ hưu, ACV lại là cái tên gây chú ý khi kết quả thanh tra đơn vị này bị rò rỉ.
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ ra, từ năm 2012 đến 2016, một số dự án ACV phê duyệt đầu tư khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý như dự án mở rộng nhà ga Phú Quốc, dự án nhà ga hành khách cảng hàng không Vinh.
Đáng nói là, hồ sơ mời thầu một số dự án theo chỉ dẫn kỹ thuật áp dụng tiêu chuẩn Anh, Mỹ nhưng trong quá trình thi công nghiệm thu, chủ đầu tư đã phê duyệt quy chuẩn xây dựng theo tiêu chuẩn… Việt Nam. Điều này là không phù hợp.
Báo cáo của Bộ Giao Thông Vận tải đã chỉ ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Theo kết luận của Bộ Giao thông Vận tải, ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ. Vì vậy, với các dự án ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.
17.000 người chưa rút tiền khỏi Thiên Ngọc Minh Uy
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa công bố con số cho thấy, tính đến thời điểm ngừng hoạt động, đã có 26.700 người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Tuy nhiên, tới cuối tháng 6 năm nay, tức là hơn 1 năm sau khi công ty đa cấp này ngừng kinh doanh, vẫn chỉ có 9.562 người yêu cầu công ty thanh lý và mua lại hàng hoá.
Qua đó, vẫn còn 17.138 người chưa có đơn thanh lý hợp đồng, bồi hoàn. Thiên Ngọc Minh Uy là cái tên nhiều tai tiếng khi từng nhiều lần bị xử phạt vì vi phạm trong kinh doanh đa cấp.
Tháng 4/2017, Bộ Công Thương đã rút giấy phép của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy và xử phạt hành chính hơn 200 triệu đồng do những vi phạm nghiêm trọng.
Đã có 26.700 người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.
Uber phủi tay ra đi, ôm theo 54 tỷ thuế truy thu
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh vừa lên tiếng “cầu cứu” Tổng cục Thuế sau khi khoản truy thu thuế với Uber lên tới 54 tỷ đồng vẫn đang mắc kẹt.
Lý do là Uber hiện đã bán lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cho Grab. Uber hiện không tồn tại ở Việt Nam nên cơ quan chức năng không thể truy thu thuế.
Trước đó, năm 2017, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã thanh tra và truy thu, xử phạt thuế với Uber 67 tỷ đồng. Uber sau đó đã nộp 13 tỷ đồng nhưng số tiền còn lại khoảng 54 tỷ đồng đơn vị này không chấp nhận nộp ngân sách. Uber thậm chí còn kiện Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ra tòa vì không chấp nhận quyết định truy thu thuế. Vụ việc đã được tòa án thụ lý nhưng chưa rõ khi nào sẽ xử lý dứt điểm.
Nhân sự Việt "mất ghế" ở Sabeco
Người đại diện phần vốn của Bộ Công Thương không có tên trong danh sách ứng viên vào vị trí Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty nhiệm kỳ 2018 – 2023 của Sabeco.
Những cái tên Việt này là: ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc và là người đại diện phần vốn góp của Bộ Công Thương và ông Bùi Ngọc Hạnh, thành viên hội đồng quản trị.
Rõ ràng, sau khi thâu tóm xong 53,59% vốn Sabeco, tỷ phú Thái đã có nhiều thay đổi về nhân sự.
Với sự xáo trộn này, có ý kiến cho rằng, trong cuộc chơi của kinh tế thị trường, đây là điều hết sức bình thường. Tuy vậy, cũng có chuyên gia nêu quan điểm, việc thành viên HĐQT của Sabeco dần dần thay thế cũng sẽ tiềm ẩn những rủi ro cho nền kinh tế.
Một trong các lo lắng là doanh nghiệp nước ngoài tuồn hàng của nước họ vào Việt Nam. Đây là điều không cấm nhiên nếu sản phẩm của họ cạnh tranh với hàng Việt thì sẽ làm thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam. Điều lo lắng là sản phẩm không phục vụ cho thị trường Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ chuyển giá.
Sau khi thâu tóm xong 53,59% vốn Sabeco, tỷ phú Thái đã có nhiều thay đổi về nhân sự.
Lọc dầu tỷ đô Nghi Sơn lo vỡ nợ?
Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, PVN cho biết đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, vốn góp Nhà nước tại dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Theo quy định cam kết ký với các ngân hàng cho vay và bảo lãnh Chính phủ cho dự án, PVN sẽ phải góp vốn đầu tư đến 9,2 tỷ USD, vốn góp từ cổ đông là 4,2 tỷ. Tuy nhiên, hiện việc điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa được thực hiện khiến tập đoàn chưa đóng nốt phần vốn góp còn lại tại dự án.
PVN khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương sớm hướng dẫn hướng giải quyết.
Theo PVN, các bên góp vốn đang hối thúc PVN hoàn thành trong tháng 7 để làm cơ sở đóng nốt phần vốn góp theo tỷ lệ, khi đó các bên cho vay mới giải ngân phần vốn vay theo cam kết. Nếu không, dự án có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).