Nóng trong tuần: Tỷ phú Việt ăn chay, kín tiếng, gây sốc với siêu dự án ở Hà Nội
Ông chủ của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường bày tỏ ý muốn mang tới Hà Nội một siêu dự án tại khu vực xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Vị đại gia đứng sau loạt dự án tâm linh nổi tiếng trước đó dự định bỏ ra số tiền lên tới 15.000 tỷ.
Ông Nguyễn Văn Trường muốn xây siêu dự án tâm linh ở chùa Hương
Thông tin đáng chú ý tuần qua là Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội có công văn gửi UBND TP. Hà Nội về việc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề nghị đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.
Theo báo cáo, khu du lịch sẽ có quy mô khoảng 1.000 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Phía chủ đầu tư kỳ vọng sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và đóng góp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường của đại gia Nguyễn Văn Trường được biết tới nhiều trước đó với loạt dự án tâm linh như khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính, khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao. Ông Trường được nhiều người nhắc tới là vị đại gia khá đặc biệt khi kín tiếng, giản dị và ăn chay trường.
Với dự án Hương Sơn, vị đại gia này dự tính sẽ nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20 km giống như Tràng An. Ngoài ra, doanh nghiệp này muốn khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực, xây dựng một tháp cao 100 m để thờ Xá Phật Lợi; xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường của đại gia Nguyễn Văn Trường được biết tới nhiều trước đó với loạt dự án tâm linh như khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính.
Grab có dấu hiệu vi phạm vụ mua lại Uber
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tuần qua thông báo đã chính thức kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Cơ quan chức năng đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh và hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.
Hiện phía Cục đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Uber đã thông báo xác nhận bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab. Đổi lại, Uber nhận 27,5% cổ phần trong Grab. Vụ sáp nhập đã bị "soi kỹ" bởi cơ quan chống độc quyền các quốc gia trong khu vực.
Cơ quan chống độc quyền của Singapore tháng 9 đã tuyên phạt Grab và Uber số tiền 13 triệu đôla Singapore, tương đương 9,5 triệu USD, vì vụ sáp nhập giữa hai công ty ứng dụng gọi xe này. Cơ quan chức năng nước này cho rằng vụ sáp nhập làm suy giảm mạnh sự cạnh tranh trên thị trường ứng dụng gọi xe ở Singapore. Tới tháng 10, cơ quan quản lý cạnh tranh của Philippines cũng tuyên bố phạt 16 triệu Peso, tương đương gần 300.000 USD, đối với hai ứng dụng gọi xe Grab và Uber
Tiết lộ số vốn đầu tư “khủng” trường đua ngựa Sóc Sơn
Thành phố Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc hoàn thành các thủ tục làm dự án trường đua ngựa.
Trong buổi tiếp xúc cử tri trong tuần, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã dành thời gian trả lời thắc mắc về dự án trường đua ngựa đang gây chú ý thời gian qua.
Theo ông, dự án trường đua ngựa có trong quy hoạch chung của thủ đô. Diện tích hơn 100ha bao gồm cả khu vui chơi giải trí, khách sạn, khu phục vụ du lịch.
Với dự án này, thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc hoàn thành các thủ tục.
Theo ông, số vốn đầu tư là khoảng 420 triệu USD. Dự kiến, khu vực này sẽ tạo công ăn việc làm cho 600-1000 lao động. Mỗi năm đóng góp ngân sách từ 1.000-1.500 tỉ đồng.
Dự án trường đua ngựa tại Hà Nội được nghiên cứu lần đầu năm 1999 với địa điểm là phường Đại Kim và Thanh Liệt. Tuy nhiên, thời điểm đó, do hành lang pháp lý về cá cược và đua ngựa chưa hoàn thiện nên dự án chưa được triển khai.
Sau đó, Tổng công ty Du lịch Hà Nội và Công ty Global Consultant Network Co.Ltd Hàn Quốc đã thỏa thuận thành lập liên doanh để đầu tư xây dựng dự án “Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, trường đua ngựa, sân golf”.
Thực hự thống kê người Trung Quốc mua nhà tại Việt Nam tăng đột biến
Một thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, lượng người Trung Quốc mua căn hộ tại TP.HCM thông qua đơn vị này chiếm tới 31% tổng lượng giao dịch trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%. Đây là tỷ lệ nhảy vọt của Trung Quốc vào thị trường căn hộ Việt Nam.
Thông tin này đã nhận được nhiều chú ý sau đó. Tuy nhiên, lên tiếng sau đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM, phân tích, số liệu của CBRE không phản ánh toàn bộ thị trường TP HCM. Theo ông, mỗi năm CBRE chỉ giao dịch vài nghìn căn hộ, trong khi toàn thị trường TP HCM có đến vài chục nghìn giao dịch, như vậy thống kê của CBRE không phản ánh bức tranh chung
Sở Xây dựng TP HCM thì cho biết hiện không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn thành phố vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý. Chỉ khi chủ đầu tư đi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được.
CBRE Việt Nam thống kê, lượng người Trung Quốc mua căn hộ tại TP.HCM thông qua đơn vị này chiếm tới 31% tổng lượng giao dịch trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%.
Đề xuất đánh thuế với nhà trên 2 tỷ
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và các chuyên gia kinh tế tuần qua đã công bố báo cáo: Khả năng áp dụng và tác động của Thuế Tài sản tại Việt Nam.
Các phương án được đưa ra đánh giá là mức thuế 0,3% và 0,4% đối với các ngưỡng chịu thuế từ 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng. Trước đó, đề xuất của Bộ Tài có nêu phương án mức thuế 0,3-0,4% với ngưỡng chịu thuế 700 triệu-1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đề xuất thêm phương án 2 tỷ đồng để có thêm kết quả so sánh.
Theo kết quả, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu áp thuế 0,4%, số tiền phải hộ phải bỏ ra hàng năm lên tới hơn 1,3 triệu đồng. Đây là số tiền cao nhất trong các phương án đem ra xem xét.
Với phương án ngưỡng 2 tỷ đồng, các hộ gia đình chỉ phải bỏ ra 763.000 đồng mỗi năm (thuế 0,3%) và 1 triệu đồng (thuế 0,4%). Đây là phương án được nhóm nghiên cứu đánh giá là phù hợp.
Loạt thông tin về tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng tuần này khiến giới đầu tư không thể không ghé mắt nhìn...