Nông dân phải… nói dối mới vay được vốn ngân hàng?

Điều kiện vay vốn quá khắt khe, không chấp nhận thế chấp bằng tài sản… khiến nhiều trường hợp người chăn nuôi phải nói dối ngân hàng để vay vốn.

Nông dân phải… nói dối mới vay được vốn ngân hàng? - 1

Ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương, bức xúc trước rào cản về vốn vay đối với DN nông nghiệp

Vay 1 đồng phải thế chấp 5 đồng

Tại hội thảo Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 30/10, ông Lê Quang Thành, Tổng giám đốc Công ty Thái Dương (Hưng Yên) cho hay: DN của ông sản xuất thức ăn cho lợn và kinh doanh lợn giống với quy mô hơn 60 nghìn con tại 7 trang trại, đồng thời liên kết với 20 trang trại khác để tăng thêm nguồn cung. Với quy mô này, công ty ông Thành phải đầu tư 600 tỷ đồng vốn cố định nhưng chỉ vay được 100 tỷ đồng từ hai ngân hàng. “Chúng tôi có tham vọng thành lập 15 dự án khác nhưng cứ nhìn thấy khó khăn về nguồn vay vốn như thế thì không thể thực hiện được”, ông Thành nói.

Theo số liệu từ NHNN, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến 30/9 đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm 2015; Chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế. Riêng dư nợ cho vay tại tất cả các xã phục vụ xây dựng nông thôn mới đến hết tháng 6/2016 đạt 660.667 tỷ đồng, tăng 15,22% so với cuối năm 2015.

Qua đây, vị Tổng giám đốc bức xúc nêu vấn đề: Tại sao DN có tài sản nhưng không được đảm bảo để vay vốn? “Để tạo ra 1 đồng doanh thu DN phải bỏ ra 120 đồng vốn. Nhưng các DN nông nghiệp và nông dân không có tài sản đảm bảo bởi ngân hàng không nhận vật nuôi làm tài sản thế chấp, nếu có cũng chỉ định giá bằng 20% giá trị thực nên để vay được 100 đồng thì phải có 500 đồng thế chấp”, lãnh đạo Công ty Thái Dương cho hay.

Tương tự, ông Phạm Đức Thắng, nông dân xuất sắc xã Đồng Vàng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang cho hay, đã thành lập hợp tác xã khoảng 400 hộ dân trồng cây dong để liên kết và bao tiêu sản phẩm. “Tôi đã ra một số điểm ngân hàng của huyện để vay vốn đầu tư cây dong dài hạn vì cây dong 1 năm mới được thu hoạch. Tuy nhiên, các ngân hàng yêu cầu là phải thế chấp bằng bìa đỏ mới cho vay vốn. Mỗi bìa đỏ được định giá chỉ vài chục triệu trong khi nhà xưởng của chúng tôi có giá trị 2-3 tỷ đồng lại không được thế chấp.

Bà Trịnh Thị Mý, nông dân xuất sắc xã Phù Lương, Quế Võ, Bắc Ninh cũng cho hay, bà có 6 sổ đỏ, trong đó có hai sổ với diện tích 4.200m2 và tài sản trên đất nhưng chỉ vay được 2,5 tỷ đồng bởi tài sản trên đất không được xem xét khi vay vốn.

Yêu cầu hai ngân hàng báo cáo ngay

Sau khi lắng nghe trường hợp của Công ty Thái Dương, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, sẽ yêu cầu hai ngân hàng đã cho Công ty vay vốn phải báo cáo lại sự việc. “Câu chuyện này là của nhiều năm về trước. Nếu bây giờ quan hệ tín dụng vẫn còn nặng nề như thế thì phải xem lại bởi chính ngân hàng cũng đang mỏi mắt tìm người cho vay”, Phó Thống đốc nói.

Theo kiến nghị của ông Lê Quang Thành, kỳ hạn vay vốn hiện dài nhất cũng là 2-3 năm, hiếm có dự án nào được vay tới 7 năm nên gây khó cho ngành chăn nuôi trong việc trả vốn và lãi. Chính vì thế, dẫn tới hiện tượng người chăn nuôi phải nói dối ngân hàng để vay được tiền và có doanh nghiệp nói là đầu tư dự án này nhưng là để lấy tiền trả cho dự án khác và trả cho ngân hàng. Chính sách có nhiều nhưng ít đối tượng được hưởng không thực thi thì cũng không có nhiều ý nghĩa”, ông Thành thẳng thắn chia sẻ.

Lắng nghe những ý kiến chia sẻ tâm huyết, ông Đào Minh Tú khẳng định: “Những vấn đề cụ thể mà DN và nông dân phát biểu hôm nay sẽ được giải quyết ngay. Còn nếu liên quan tới bộ, ngành khác thì NHNN sẽ trao đổi để tháo gỡ”. Theo vị Phó Thống đốc NHNN, không có lĩnh vực nào được quan tâm như nông nghiệp. Thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tập trung vào các các lĩnh vực trọng tâm, có sự chuyển đổi mạnh như nông nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để hạ giá thành, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm… đồng thời cải thiện vốn, thời hạn, lãi suất, điều kiện, thủ tục vay cho những đối tượng này. Ngành ngân hàng sẽ chọn lọc và giảm bớt chương trình trong tổng số 22 chương trình tín dụng hiện nay. “NHNN đã thành lập đoàn gần chục người đi kiểm tra các ngân hàng thương mại triển khai việc thực hiện Nghị quyết 35 và 19 của Chính phủ, để không còn có trường hợp như Công ty Thái Dương nữa ”, Phó Thống đốc NHNN khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Giao thông vận tải)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN