“Nóng” chuyện nợ xấu, sáp nhập ngân hàng
Chỉ riêng các khoản nợ xấu từ chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng và những vụ án lớn xảy ra trên địa bàn TP HCM đã “đóng góp” hơn 10.000 tỉ đồng nợ xấu
Ngày 12-5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã có buổi làm việc với Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TP và các NH thương mại trên địa bàn. Câu chuyện “nóng” nhất vẫn là nợ xấu, sở hữu chéo và hậu sáp nhập các NH.
Nợ xấu vẫn rất cao
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết tính đến ngày 31-3, nợ xấu trên địa bàn là hơn 60.800 tỉ đồng, chiếm 5,53% tổng dư nợ cho vay. Con số này cao hơn nhiều so với mức 3,49% của cả nước (thống kê cuối tháng 1-2015).
Tính đến ngày 31-3, nợ xấu trên địa bàn TP HCM là hơn 60.800 tỉ đồng Ảnh: Tấn Thạnh
Trong 3 tháng đầu năm, các NH trên địa bàn TP HCM đã xử lý được 6.112 tỉ đồng nợ xấu, chủ yếu là thu nợ bằng tiền, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC). Việc bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn, chỉ đạt 223 tỉ đồng vì phải qua nhiều khâu tố tụng, thi hành án mất nhiều thời gian.
“Các NH thương mại đã áp dụng nhiều giải pháp kéo giảm nợ xấu nhưng tỉ lệ này vẫn còn khá cao do nợ xấu mới phát sinh. Chúng tôi đang báo cáo thống đốc để tìm giải pháp cho các NH thương mại đẩy nhanh tiến độ, đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm” - ông Minh nói.
Việc đàm phán với con nợ để thu hồi nợ xấu rất gian nan và khó khăn. Con đường đòi nợ qua khởi kiện, tố tụng cũng rất lâu nên không nhiều NH mặn mà. Có khi phải mất vài năm mới đòi xong một khoản nợ, thậm chí nhiều con nợ còn bỏ trốn khỏi nơi cư trú, nên thu hồi nợ rất bế tắc - một lãnh đạo NH dẫn chứng.
Đại biểu Quốc hội, PGS-TS Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi: Vì sao mục tiêu phải giảm về 3% nhưng 4 tháng đầu năm, nợ xấu lại tăng? Có phải chỉ vì nợ xấu mới phát sinh hay do trước đây chưa chuyển nhóm nợ? (Theo Quyết định 780 của NH Nhà nước, các NH thương mại được phép chưa chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay lẽ ra đã trở thành nợ xấu - PV).
Lãnh đạo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết phần nợ xấu tăng cao chủ yếu từ phía các NH liên doanh, công ty tài chính... Còn riêng 12 NH thương mại có hội sở chính tại TP HCM, mức nợ xấu chỉ vào khoảng 2,45% và nếu chỉ tính riêng các NH thương mại, khả năng đưa về mức 3% là có thể. “Ngay cả việc một số NH yếu kém bị sáp nhập cũng tạo ra những khoản nợ xấu lớn, như NH Xây dựng (VNCB) bị NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, hay một số vụ án lớn diễn ra tại TP cũng làm các khoản nợ xấu phát sinh thêm trên 10.000 tỉ đồng” - ông Nguyễn Hoàng Minh lý giải.
Sáp nhập để giảm sở hữu chéo
Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn đã có liên tiếp nhiều thương vụ sáp nhập các NH thương mại, cả việc NH Nhà nước mua lại NH yếu kém với giá 0 đồng, vậy sau sáp nhập là gì, được gì?
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó trưởng Đoàn Luật sư TP HCM, vài năm nay có khoảng 3-4 thương vụ sáp nhập NH nhưng có vụ sáp nhập xong còn làm phát sinh thêm nợ xấu, rồi “lây lan” sang cả NH được sáp nhập. “Vậy sau 1 năm sáp nhập, NH có tốt hơn không? Rất nhiều đại biểu Quốc hội như chúng tôi không được thông tin cụ thể về vấn đề này” - ông đặt câu hỏi.
Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng sáp nhập các NH thương mại còn là một cách để giảm sở hữu chéo. Bởi lẽ, có một dạng sở hữu chéo ẩn mình vào các cá nhân. Ông chủ của NH A mua cổ phiếu của NH B rồi từ đó thâu tóm, chứ không phải chủ trương của NH A. Khi đó, NH Nhà nước phải làm rõ qua thanh tra, giám sát. Gần đây, thông tin về NH TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) chưa tổ chức đại hội cổ đông, một phần vì NH Nhà nước đang rà soát lại các cổ đông, xem sở hữu cổ phần của họ có đúng thực chất hay đi vay mượn, đối tác mới tham gia vào NH dùng vốn sở hữu hay vốn đi vay. Từ đó sẽ đánh giá xem có tình trạng sở hữu chéo hay không.
Dưới góc độ một NH có thương vụ sáp nhập, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), cho biết thương vụ với NH TMCP Đại Á là hoàn toàn tự nguyện vì 2 đơn vị này không thuộc diện yếu kém, buộc phải tái cơ cấu mà muốn nâng cao tiềm lực tài chính, tạo ra NH lớn mạnh hơn. “Tôi cho rằng các NH muốn mạnh lên thì phải thông qua mua bán, sáp nhập và cũng làm giảm số lượng NH cổ phần ở Việt Nam” - ông Trung nhận xét.
Lãi suất cho vay còn cao TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng mức lãi suất cho vay trung và dài hạn hiện vào khoảng 10%-11%/năm là vẫn cao nếu so với mức lạm phát cơ bản dự báo cả năm chỉ khoảng 3%. Tái cấu trúc nền kinh tế là dùng tín dụng trung hạn để đầu tư đổi mới công nghệ. Trong khi đó, các doanh nghiệp nói lãi suất hiện vẫn còn cao. Tuy nhiên, theo phát biểu của đại diện nhiều NH tại cuộc họp, mức lãi suất cho vay hiện nay là phù hợp, thậm chí thấp. Vấn đề là doanh nghiệp vay xong có hoạt động để có lợi nhuận trả gốc và lãi vay cho NH hay không. |