Nội soi góc khuất công ty chứng khoán

Những bê bối tài chính xảy ra gần đây tại một số công ty chứng khoán cho thấy, đã đến lúc phải cải cách mạnh mẽ công tác giám sát và quản trị rủi ro tại các công ty này.

Hàng loạt lãnh đạo cấp cao các CTCK dính vào vòng lao lý do chiếm đoạt tài sản của công ty như Chủ tịch HĐQT CTCK Cao Su, Chủ tịch HĐQT CTCK SME. Những hành vi sai trái của lãnh đạo cao cấp các CTCK đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về giám sát hoạt động CTCK và đạo đức kinh doanh bị xói mòn nghiêm trọng.

Ðạo đức kinh doanh đi xuống

Nhiều CTCK cố tình trốn nộp báo cáo định kỳ lên UBCKNN nhằm không phải kê khai tài chính, tình hình hoạt động. Khi sự việc được cảnh báo thì hành vi gian lận, chiếm đoạt tài sản đã diễn biến trong thời gian dài, lãnh đạo CTCK có thể cao chạy xa bay để lại khoản lỗ lớn như trường hợp CTCK Hà Thành.

CTCK SME từng là một công ty phát triển khá nhanh với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, dịch vụ margin có tỷ lệ hấp dẫn cho khách hàng. Nằm trong top 15 CTCK, SME nhanh chóng tụt dốc không phanh do nguồn vốn hoạt động "teo tóp". Kể từ tháng 11/2011, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cảnh báo về chậm trễ tiền thanh toán bù trừ, sau đó trước báo động liên tục về hoạt động của công ty, nhà đầu tư đã ồ ạt rút tiền khỏi SME. Đầu tháng 8/2012, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty đã bị Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để khởi tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo nguồn tin riêng, vị chủ tịch trên đã sử dụng trái phép nguồn vốn của công ty và tiền gửi khách hàng vào mục đích đầu tư cá nhân (đầu tư bất động sản và khu công nghiệp) dẫn đến tình trạng mất thanh khoản, chậm trễ thanh toán. Ví dụ trên cho thấy, tài sản của nhà đầu tư tại CTCK không được bảo vệ an toàn và có thể bị "rút ruột" bất cứ lúc nào. Mặc dù UBCKNN đã có chế tài xử phạt về việc tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư và tiền của CTCK, nhưng các trường hợp vi phạm chưa có dấu hiệu giảm xuống mà càng được phát hiện nhiều hơn. Phải chăng việc CTCK như SME phá sản là hệ quả của tình trạng quản trị yếu kém, đạo đức kinh doanh suy giảm và cạnh tranh gay gắt trên thị trường?

Các CEO thích đi tắt đón đầu

Nhìn lại sự vụ của CTCK Liên Việt (LVS), nguyên Tổng giám đốc LVS, ông Hoàng Xuân Quyến đã bị bắt giữ theo đơn tố cáo của HĐQT công ty này. Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT LVS cho biết, ông Quyến đã thực hiện nghiệp vụ mà HĐQT chưa cho phép và vượt thẩm quyền của Ban điều hành như thế chấp cổ phiếu OTC và huy động vốn trái quy định.

Theo công bố mới nhất của LVS, ông Quyến đã ký hợp đồng thế chấp 3 triệu cổ phần chưa niêm yết của COTEC. Khoản hợp tác đầu tư 3 triệu cổ phiếu COTEC có giá trị 32,5 tỷ đồng hiện nay đã quá hạn thanh toán hơn 60 ngày. CTCK LVS đang khởi kiện ông Quyến và một số thành viên có liên quan do thực hiện sai thẩm quyền khi ký kết hợp đồng hợp tác trong thương vụ nêu trên và có dấu hiệu gài trong hợp đồng những điều khoản bất lợi cho công ty.

Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng của LVS ở mức 218%, nhưng chưa xét đến khoản hợp tác đầu tư cổ phiếu COTEC liên quan đến ông Quyến. LVS chỉ áp dụng hệ số rủi ro 8% thay vì 100% do chưa có kết luận từ phía cơ quan nhà nước, trong đó tổng giá trị rủi ro là 40,5 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, Ban điều hành LVS do ông Quyến đứng đầu đã tự ý huy động vốn trái thẩm quyền, vay từ một ngân hàng ngoài hệ thống. Đáng ngạc nhiên là những sự việc trái thẩm quyền hay vượt cấp chỉ bị phát hiện sau 3 - 4 tháng. Đến tháng 5/2011, ông Quyến chính thức bị bãi nhiệm chức Tổng giám đốc LVS. Trường hợp của LVS cho thấy tình trạng quản trị yếu kém trong các CTCK nói chung, đặc biệt là tại các CTCK quy mô vừa và nhỏ. Mức độ giám sát quá lỏng lẻo của Ban Kiểm soát đối với Ban điều hành khiến các CEO "làm mưa làm gió" trong thời gian dài mà HĐQT không hay biết.

Thêm vào đó, việc các CEO trong ngành chứng khoán "nhảy việc" trở nên phổ biến trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường. Do vậy, hầu hết các CEO đều thích gây ấn tượng trong 2 - 3 tháng đầu tiên tiếp quản công việc thông qua đẩy mạnh doanh thu, huy động vốn và ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Chính vì vậy mà thành tích của CEO có thể đi kèm những rủi ro khó lường như bài học mà LVS vấp phải.

Rắc rối hậu M&A ngân hàng thương mại

Những vụ thâu tóm, sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng thương mại như Sacombank hay Habubank không chỉ dẫn đến sự xáo trộn mạnh mẽ bên trong các NHTM mà còn thay đổi toàn bộ cấu trúc các công ty con, trong đó có các CTCK. CTCK Habubank (HBBS) hay Sacombank (SBS) không phải ngoại lệ, do phụ thuộc vào các NHTM trong việc tái cấu trúc, thay đổi nhân sự, đấu tranh giành quyền lực...

Sau khi thâu tóm Habubank, SHB gặp rắc rối không nhỏ vì sở hữu đồng thời 2 CTCK, buộc phải tính đến giải pháp tái cấu trúc 2 CTCK này cho phù hợp với quy định. Theo Luật Chứng khoán, cổ đông nắm giữ trên 10% vốn điều lệ tại một CTCK và người có liên quan không được phép nắm giữ quá 5% vốn điều lệ tại CTCK khác. CTCK Habubank (HBBS) có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó HBB sở hữu 98,66% (trước đó là Công ty TNHH 100% vốn HBB).

Sau khi sáp nhập HBB vào SHBS , đương nhiên HBBS trở thành công ty con của SHB, được đổi tên thành SHBS. Do vậy, SHB buộc phải đặt ra lộ trình thoái vốn đối với SHBS để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 5%. Tuy nhiên, ảnh hưởng của SHB đối với SHBS còn rất lớn do tỷ lệ sở hữu chéo của cá nhân bầu Hiển và Tập đoàn T&T (12,3%). Chính vì thế, khả năng cao là SHB sẽ phải chuyển nhượng cổ phần SHBS cho các đối tác liên quan trong SHB. Như vậy, có thể thấy đợt sóng tái cấu trúc các CTCK trực thuộc NHTM là hệ quả tất yếu sau các thương vụ M&A các NHTM.

Ở góc độ khác, M&A giữa 2 NHTM có thể khơi mào cuộc chiến về quyền lực và thay đổi nhân sự cấp cao trong CTCK. Đơn giản là CTCK này được sự hỗ trợ không nhỏ từ nguồn vốn của NHTM mẹ thông qua nhiều hình thức chào bán trái phiếu, thời hạn dài 3-5 năm với lãi suất rất thấp như trường hợp của SBS. Việc sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng mẹ có hiệu quả hay không là câu hỏi lớn cho cổ đông mới nắm quyền kiểm soát CTCK SBS.

Thông qua một loạt công ty vệ tinh như CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu, CTCP Đầu tư Sài Gòn Exim, nhóm cổ đông lớn có liên quan tới Eximbank đã nắm quyền kiểm soát Sacombank và tất nhiên là cả CTCK Sacombank (STB sở hữu 10,95% SBS). Đại hội đồng cổ đông SBS ngày 16/6/2012 đã chính thức bãi nhiệm Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát cũ của SBS, thay mới hoàn toàn HĐQT và bổ nhiệm tổng giám đốc mới. Việc thay máu toàn bộ nhân sự cao cấp của SBS không khó suy đoán khi nhóm cổ đông lớn giành quyền kiểm soát SBS - một CTCK đang thua lỗ nặng nề và buộc phải đối mặt với việc tái cấu trúc hoạt động.

Không chỉ vậy, ngày 10/8/2012, Cơ quan An ninh Điều tra - Công an Thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự "cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán" xảy ra tại SBS. Trong vòng 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu SBS biến động rất thất thường, giảm sàn nhiều phiên trong tháng 6 và sau đó tăng trần liên tiếp trong tháng 7. Sau đó, Chủ tịch mới của SBS đã nhanh chóng công bố thông tin hoạt động nhằm duy trì sự ổn định. Xem ra ông chủ mới của SBS đang muốn phơi bày rõ trách nhiệm của HĐQT cũ và người có liên quan dẫn đến con số lỗ khổng lồ 788 tỷ đồng của năm 2011.

Xáo trộn bên trong SBS hay các CTCK nói chung không nằm ngoài xu thế chung của thị trường, đó là đã đến lúc cần thanh lọc và sáp nhập các công ty chứng khoán. Sau những bê bối nói trên, công tác giám sát và quản trị rủi ro tại các CTCK tới đây sẽ phải được chú trọng hơn vì lợi ích dài hạn của thị trường, cổ đông và chính các CTCK.

SHB gặp rắc rối không nhỏ: Sau khi thâu tóm Habubank, SHB gặp rắc rối không nhỏ vì sở hữu đồng thời hai CTCK, buộc phải tính đến giải pháp tái cấu trúc hai CTCK này để phù hợp với quy định. Tỷ lệ nắm giữ của SHB tại SHS là 8,22% và 98,66% vốn điều lệ HBBS.

M&A giữa 2 NHTM có thể khơi mào cuộc chiến về quyền lực và thay đổi nhân sự cấp cao trong CTCK

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Trình ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN