“Nói NH lén thu phí ATM là không đúng!”

Tròn một tháng kể từ Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 35/2012/TT- NHNN về thu phí nội mạng thẻ ghi nợ nội địa, đã vấp phải không ít bất đồng từ các chủ thẻ.

Ngày 27/2/2013, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước, trả lời báo giới một số nội dung trên.

Thưa ông, khi ban hành Thông tư 35 về thu phí nội mạng ATM, Ngân hàng Nhà nước đã lường trước những phản ứng tiêu cực của thị trường?

Mong muốn của Ngân hàng Nhà nước cũng như của các ngân hàng thương mại khi đưa ra sản phẩm dịch vụ ATM là mong muốn được thị trường chấp nhận, chẳng ai muốn đi buôn không có lãi cả. Phí thu nội mạng hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ đưa ra là rất thấp, không phải theo công thức giá bán = giá thành + lợi nhuận + thuế như đối với các hàng hoá dịch vụ khác.

Thực tế, các ngân hàng chỉ thu 1 nghìn đồng/giao dịch trong khi theo tính toán của chúng tôi, chi phí trung bình đối với mỗi giao dịch ATM phải là 9 nghìn đồng/giao dịch. Với mức phí này các ngân hàng thương mại bị thiệt rất nhiều.

Nhưng vì lợi ích phục vụ chủ trương thanh toán phi tiền mặt của Chính phủ, giảm rủi ro cho chủ thẻ, từng bước hiện đại hóa phương thức thanh toán văn minh cũng như minh bạch hóa giao dịch mua bán trong nền kinh tế, các ngân hàng đã chấp nhận thua thiệt vì lợi ích chung.

Tất nhiên, để giảm chi phí cho người dùng khi rút tiền tại các cây ATM, các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai các công cụ thanh toán qua POS, thanh toán điện tử để hạn chế rút tiền mặt và tránh mất phí cho chủ thẻ cùng những lợi ích khác.

“Nói NH lén thu phí ATM là không đúng!” - 1

Hiện nay, theo báo cáo của 34 đơn vị gửi về Ngân hàng Nhà nước thì có 2 đơn vị có biểu phí 200 đồng – 500 đồng/một giao dịch rút tiền nội mạng - Ảnh minh họa.

Trên thực tế thì bất cứ chính sách nào khi bắt đầu thực hiện cũng chưa thể tìm được sự đồng thuận của tất cả mọi người nhưng tôi tin chỉ một thời gian ngắn sau đó, mọi việc sẽ ổn thỏa.

Hiện mỗi ngân hàng áp dụng một mức phí khác nhau đối với mỗi giao dịch nội mạng, theo ông, mức phí như thế nào là phù hợp?

Hiện nay, theo báo cáo của 34 đơn vị gửi về Ngân hàng Nhà nước thì có 2 đơn vị có biểu phí 200 đồng – 500 đồng/một giao dịch rút tiền nội mạng, thấp hơn so với mức 1.000 đồng/giao dịch theo quy định Ngân hàng Nhà nước.

Có 10 ngân hàng áp mức phí 1.000 đồng/giao dịch, bằng quy định của Ngân hàng Nhà nước, phần còn lại các ngân hàng đều đang miễn phí rút tiền nội mạng. Trong thông tư 35/2012/TT- NHNN, Ngân hàng Nhà nước quy định: các ngân hàng được áp dụng mức phí từ 0 đồng – 1.000 đồng/giao dịch trong 2013; từ 0 đồng – 2.000 đồng/giao dịch trong 2014 và từ 0 đồng – 3.000 đồng/giao dịch trong 2015. Như vậy, tùy theo năng lực tài chính và chiến lược phát triển dịch vụ thẻ của từng ngân hàng để họ xây dựng biểu phí phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước chưa thống kê và tính toán cụ thể cân đối lời lãi giữa chi phí đầu tư và mức thu phí trên từng máy ATM nhưng, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại phân trần với tôi rằng, hiện ngân hàng này đang lỗ 22 triệu đồng/máy ATM mỗi năm. Thế nên, giám đốc các chi nhánh rất sợ trung tâm thẻ của ngân hàng mình giao chỉ tiêu phát triển thẻ.

Hiện có một số dư luận trái chiều như ngân hàng “lén thu phí”, “âm thầm thu phí”, rồi “lãi khủng” khi thu phí ATM nội mạng là chưa chính xác. Chính Ngân hàng Nhà nước đã tính toán rất kỹ về mức phí nói trên và chúng tôi cho rằng các mức như trên là phù hợp.

Người tiêu dùng đang phàn nàn các đơn vị thu phí nhưng chất lượng dịch vụ không đảm bảo, ông giải thích vấn đề này như thế nào?

Cùng với việc phổ biến chính sách trước trong và sau khi ban hành, chúng tôi yêu cầu các đơn vị cấp dịch vụ thẻ phải xây dựng chương trình phần mềm, biểu phí báo cáo về Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước theo dõi, giám sát và quản lý.

Ngân hàng Nhà nước cũng giao trách nhiệm cho tổ chức cung ứng thẻ phải cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ thẻ cho người dùng; đồng thời, yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương phải giám sát toàn bộ chương trình nói trên.

Tôi cũng hy vọng là sau 1/3/2013, chất lượng dịch vụ ATM sẽ được nâng lên và hạn chế tối đa những tình huống không an toàn khi rút tiền từ máy ATM. Tuy nhiên, không có nghĩa là khi thu phí ATM nội mạng rồi thì không còn bất kỳ trục trặc nào, vì có thể có những trục trặc ngoài mong muốn.

Về phương diện cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ kiểm soát các đơn vị cấp dịch vụ một cách chặt chẽ để tránh những rủi ro phát sinh, nhưng nếu đâu đó gặp trục trặc thì cũng mong người dân hợp tác chia sẻ và cùng khắc phục.

Vậy còn chính sách phát triển phương thức thanh toán POS để giảm tải rút tiền đối với hệ thống ATM của Ngân hàng Nhà nước sẽ được hiện thực hóa như thế nào?

Song song với việc thu phí ATM, Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch phát triển phương thức thanh toán POS và chúng được thể hiện rõ trong Quyết định 2453 ngày 27/11/2011 của Chính phủ cùng Kế hoạch 1131 (ngày 30/5/2012) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, dự kiến đến 2015, cả nước sẽ đạt 250 nghìn máy POS so với con số 104 nghìn máy POS hiện nay. Khi phát triển mạnh POS, sẽ giảm tải cho hệ thống ATM rất nhiều.

Tuy nhiên để mong muốn trên thành hiện thực thì Bộ Công Thương phải có kế hoạch phối hợp để làm sao đó, tất cả hệ thống khách sạn, trung tâm vui chơi giải trí, nhà hàng... phương tiện giao thông vận tải đều lắp đặt phương thức thanh toán POS.

Chứ như hiện nay, các ngân hàng đi mời mọc, nài nỉ từng siêu thị, nhà hàng lắp máy POS vừa vất vả, vừa không hiệu quả.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần có chính sách giảm thuế khi thanh toán qua POS cho các đơn vị chấp nhận lắp máy để họ ủng hộ chủ trương này.

Hoặc, với Bộ Giao thông Vận tải, cũng nên quy định những phương tiện và nơi thu phí giao thông cũng nên lắp đặt các máy POS... 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN