Nới hạn mức tín dụng, lo suy thoái kép
TS Lê Thẩm Dương- Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM trao đổi với PV xung quanh vấn đề Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại lên đến 27% thay vì các mức như hồi đầu năm là 17%,15%,13%/năm.
Theo ông, việc tăng trưởng tín dụng tác động thế nào đến nền kinh tế?
Trước mắt phải thúc đẩy GDP, và (thúc đẩy sự phát triển của) doanh nghiệp (DN) nên NHNN buộc phải tăng tín dụng. Cách tăng, một là hạ lãi suất xuống, hai là giúp DN và ngân hàng thương mại “kết nối” bằng cách gia tăng cơ cấu nợ.
Tín dụng phải tăng 6-8% mới hy vọng khôi phục được DN, mới đạt được mục tiêu GDP đề ra. Tăng trưởng tín dụng có tác động tích cực là làm cho GDP tăng. Nhưng cũng có tác động ngược lại, nếu quản trị không khéo thì sẽ dễ xảy ra suy thoái kép.
Ông có thể nói rõ hơn những lo ngại về suy thoái kép?
Suy thoái kép như hình chữ W. Nới hạn mức tín dụng gây tác dụng phụ là lạm phát và suy thoái nên người ta gọi là hiện tượng suy thoái kép. Suy thoái kép có khả năng sẽ xuất hiện vào đầu năm 2013.
Trước mắt có tác động gì, thưa ông?
Nó có tác động tức thì, đó là giải quyết được hàng tồn kho của DN, giải quyết được hợp đồng các DN đã ký, làm cho GDP không sụt giảm, nếu không muốn nói là sẽ dẫn đến hiện tượng gia tăng.
Nới hạn mức tín dụng chắc chắn là ảnh hưởng đến nền kinh tế. Nhưng NHNN quản trị theo lạm phát mục tiêu, nên người ta làm chủ tình hình, khác với mọi năm là ở chỗ đó, nên tác động tích cực nhiều hơn. Không phải ngẫu nhiên hạn mức được nâng lên như vậy.
Còn tác động tiêu cực thì sao, thưa ông?
Tác động tiêu cực tất nhiên là có. Vì nếu tăng về số lượng thì về mặt biện chứng sẽ làm giảm chất lượng. Khi tăng đầu tư công, tăng tín dụng thì thông thường phải kèm theo những giải pháp mà mình phải tặc lưỡi, đó là chấp nhận giảm về chất lượng tăng trưởng.
Thứ hai, sẽ là hậu quả lâu dài, có khả năng khiến lạm phát xuất hiện trở lại ở đầu năm 2013, nhưng phải chấp nhận vì nó như một quả lắc dao động, lắc đi rồi lắc về. Nhưng mỗi lần như thế độ dao động giảm đi và dần dần con lắc mới dừng lại.
Liệu trong thời gian tới NHNN có tiếp tục nới hạn mức tín dụng lên nữa, thưa ông?
Tôi nghĩ NHNN đã tính toán hết, tại sao không phải là 28 hoặc 26%, nên tôi nghĩ nâng lên nữa là không có.
Theo ông, tăng trưởng tín dụng có tạo ra cuộc chạy đua huy động vốn giữa các ngân hàng?
Đó là điều chắc chắn có. Nhưng vấn đề là kinh doanh, anh nào mạnh thì thắng, nhưng chắc gì đạt được 27%.