Nợ xấu: Xấu đến mức nào?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phản pháo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s (cho rằng nợ xấu của Việt Nam ở mức 15%, gần bằng 17% của Hy Lạp).

Tuy nhiên, qua đây cũng phát lộ những số liệu mới về nợ xấu. Các chuyên gia cũng khẳng định, nợ xấu lo ngại hơn nhiều so với con số NHNN công bố.

Nợ xấu cao hơn vốn điều lệ

Một con số mới hoàn toàn khác về nợ xấu vừa được NHNN cập nhật. Theo đó, nếu tính toán thận trọng, nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780) (của hệ thống ngân hàng) khoảng 9%. Con số này cho thấy mức nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang khá cao và đáng suy ngẫm.

Trong khi đó, báo cáo gần đây của các ngân hàng đều cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh. Nhưng thực tế, các con số này chỉ làm đẹp sổ sách. Nhìn vào báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng thấy, mức nợ xấu vẫn còn rất cao. Như NaviBank, tới 31/12/2013, nợ xấu vẫn ở mức 6%, SHB 4,1%, Techcombank(3,6%), ACB (3,02%), VIB (2,82%).

Nợ xấu: Xấu đến mức nào? - 1

Có minh bạch nợ xấu thì mới có cách xử lý triệt để. Ảnh: HỒNG VĨNH

Theo TS. Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc Cty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), tại hội thảo mới đây: Xét về giá trị, nợ xấu vẫn đang ở mức rất lớn. Cá biệt có ngân hàng vừa công bố nợ xấu trên 33.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của ngân hàng chỉ hơn 29.000 tỷ đồng. Đây là trường hợp ngân hàng có nợ xấu cao hơn cả vốn điều lệ.

“Việc công bố nơ xấu ở mức thấp, nhằm bảo vệ thương hiệu cho ngân hàng ở Việt Nam trước đánh giá của các tổ chức. Giờ nếu chỉ số tín nhiệm của Việt Nam bị xuống mức thấp nhất theo chuẩn thế giới (3C) thì rất nguy hiểm”

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành

Điểm đáng quan ngại trong nợ xấu theo ông Thường là các con số (nợ xấu) công bố không bao hàm dư nợ xấu của các ngân hàng mang tính chính sách (như Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội).

“Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo trình Quốc hội công bố ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam dư nợ xấu khoảng 12%, cỡ khoảng trên 12.000 tỷ đồng nợ xấu. Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có con số chính thức, nhưng chắc chắn có nợ xấu”, ông nói.

Giấu nợ vì… lo mất ghế

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng NHNN, cần có cái nhìn khác về số nợ xấu thực tế trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Nếu nợ xấu đã giảm xuống mức hơn 3,63% như NHNN nói, có nghĩa chỉ còn khoảng 100.000 tỷ đồng.

Nợ xấu: Xấu đến mức nào? - 2

Báo cáo gần đây của các ngân hàng đều cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh. Nhưng thực tế, các con số này chỉ làm đẹp sổ sách. Ảnh: Ngọc Châu

Đây là con số không lớn, thậm chí không đáng lo ngại khi Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tuyên bố kế hoạch năm 2014 sẽ tiếp tục mua thêm khoảng 70.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Như vậy, gánh nặng nợ xấu của các ngân hàng sẽ chấm dứt trong năm nay, do đã được chuyển sang cho VAMC. Các ngân hàng lại “sạch đẹp” về mặt sổ sách.

Theo ông Thanh, nhiều ngân hàng tuyên bố, đến cuối năm ngoái, giảm nợ xấu rất nhanh nhờ trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ. Đây là cách xử lý nợ xấu chỉ có ở Việt Nam. 

Ở nước ngoài họ không làm như vậy. Việc gia hạn nợ, cho vay với bản chất là đảo nợ và nợ xấu, như vậy vẫn còn nguyên. Vấn đề khó nhất (trong xử lý nợ xấu) hiện nay chính là việc xử lý số nợ từ đống tài sản đảm bảo (đã bị thổi phồng giá trị lên gấp 2 - 3 lần).

“Các biện pháp xử lý nợ xấu của Việt Nam có nhiều sáng kiến độc đáo. Chỉ riêng việc bán nợ cho VAMC đã giúp ngân hàng kéo dài thời gian xử lý nợ xấu thêm 5 năm. Phải làm sao để các doanh nghiệp sống được, nền kinh tế không phục hồi thì ngân hàng còn lâu mới thoát được gánh nặng nợ xấu”, ông Thành nói.

Trao đổi với Tiền Phong, cựu lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TPHCM cho rằng, từ tháng 6 tới, khi Thông tư 02 (phân loại nợ của các tổ chức tín dụng-PV) chính thức được áp dụng, nợ xấu của các ngân hàng chắc chắn sẽ tăng vọt, tình hình của các ngân hàng xấu đi nhiều. 

Nếu áp dụng ngay lập tức, nhiều ngân hàng sẽ lộ tình trạng thiếu vốn. Vì vậy, việc các ngân hàng giấu nợ là điều dễ hiểu. Nếu trưng ra nợ xấu thật, ngân hàng phải trích lập dự phòng lớn, làm giảm lợi nhuận. Khi đó, áp lực đầu tiên sẽ đến từ các cổ đông. Ban lãnh đạo cũng sẽ bị thay nhanh chóng. Hoạt động của ngân hàng trong huy động vốn và cho vay cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

“Ai cũng biết ngân hàng có bệnh, nhưng giải phẫu khối u đó lúc nào phải phụ thuộc thể trạng của bệnh nhân. Không phải cứ thấy ai có u là đè ra mổ. Do vậy NHNN cũng phải tính toán xem sức chịu đựng của các ngân hàng đến đâu. Có nhiều động thái cho thấy NHNN sẽ có sự mềm mại hơn trong việc áp dụng Thông tư 02, do không muốn để xảy ra một cú sốc quá lớn”, vị này phân tích.

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, việc xử lý nợ xấu đang trong tình cảnh khá khó khăn. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam rất bất định, khi giá trị tài sản đảm bảo (đất đai) đã giảm so với sổ sách trước đây.

Vấn đề ngân hàng có chấp nhận mất tới 2/3 số tiền đã bỏ ra hay không. Nếu chấp nhận điều này, bản thân ngân hàng sẽ chịu áp lực rất lớn từ các cổ đông. Vì thế, vấn đề xử lý nợ xấu sẽ còn nhiều khó khăn.

“Nợ xấu không thể làm quyết liệt do phải cân đo, đong đếm các vấn đề có thể xảy ra với nền kinh tế. Khi hình ảnh ngân hàng xấu đi, cả hệ thống gặp sự cố sẽ sao đây? Đây là cách xử lý nợ xấu rất Việt Nam. Chúng ta biết, nhưng không thể xử lý được như nước ngoài”, ông phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN