Nợ xấu VN có thể gây thiệt hại 7 tỷ USD
Về vấn đề nợ xấu của kinh tế Việt Nam, có tới 4 tổng giám đốc ngân hàng ngoại cùng lên tiếng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đưa ra thông tin này, vị Trưởng nhóm Công tác ngân hàng của VBF, ông Louis Taylor cũng lưu ý thêm, “nhiều chuyện chúng tôi nói rất khó làm, nhưng thuốc đắng giã tật”.
Báo cáo của nhóm Công tác ngân hàng nhận định, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng còn chậm và thiếu đồng bộ, trong khi tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc vào việc triển khai triệt để kế hoạch tái cấu trúc này.
Theo ông Louis Taylor, có hai điểm tích cực cần nhìn nhận là trong những năm qua có hàng chục nước đã gặp vấn đề tương tự như ở Việt Nam và họ đã giải quyết tốt. Mặt khác, khó khăn hiện nay chưa dẫn tới khủng hoảng Việt Nam có thời gian để hành động và đưa ra lựa chọn về chính sách.
“Những tiến trình rõ ràng hơn cần được đưa ra. Chúng ta đã nghe quá nhiều và đây là thời điểm hành động”, ông nói.
Điều khiến vị chuyên gia nước ngoài này băn khoăn là cho đến tận thời điểm hiện nay, bản chất và quy mô nợ xấu chưa ai biết rõ, và các đồn đoán có thể gấp đôi con số được báo cáo chính thức.
Song, ông cho rằng, nếu theo con số nợ xấu được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố là 8,8% thì tổng thiệt hại là 7 tỷ USD (có thể không đòi được), chiếm khoảng 5% GDP của Việt Nam. “Con số này vẫn nằm trong tầm kiểm soát”, ông quả quyết.
Ngân hàng Nhà nước đã soạn thảo đề án xử lý nợ xấu trình Chính phủ, bao gồm hàng loạt các nhóm giải pháp, trong đó có việc thành lập công ty quản lý tài sản.
Cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi đúng hướng là thanh tra toàn diện về nợ, đánh giá rõ ràng cả hệ thống và từng ngân hàng, ông Louis Taylor cũng nhận định nếu không có động lực cho quản trị ngân hàng trong tương lai thì không có giải pháp tin cậy nào đảm bảo nền kinh tế quay lại tăng trưởng trên 6% như trước.
Lần lượt tiếp sau, các đại diện khác trong nhóm công tác ngân hàng đã đi sâu vào các giải pháp cụ thể để quản lý và giải quyết nợ xấu.
Được đặc biệt nhấn mạnh là việc thành lập công ty quản lý và xử lý nợ nhằm chuyển tài sản nợ xấu từ các ngân hàng sang công ty quản lý tài sản. Công ty này có trách nhiệm xử lý và cơ cấu nợ gốc để có thể giải quyết theo thời gian. Tài sản có thể được xử lý trong nội bộ, tái cơ cấu hoặc bán cho bên thứ ba.
Theo phân tích của ông Brett Krause, khi chuyển tải sản gọi là nợ xấu sang cho các công ty quản lý tài sản, các ngân hàng cơ cấu lại vốn thì sẽ giảm bớt rủi ro để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính.
Quá trình chuyển giao sẽ theo giá trị phù hợp, công ty xử lý nợ có thể khôi phục lại sức mạnh của nền kinh tế, nhấn mạnh điều này, ông Brett Krause cũng khuyến nghị Chính phủ cũng có thể đưa ra cơ chế khuyến khích, và điều quan trọng nhất để đảm bảo thành công là tối ưu hóa được giá trị.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý đến một cơ chế phù hợp, đảm bảo sự minh bạch cho hoạt động của công ty, với nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn và có thể thuê người bên ngoài, nếu cần. Mặt khác, cần có điều khoản rõ ràng để chấm dứt khi nhiệm vụ của công ty đã hoàn tất.
Công ty này nên tồn tại từ 5 - 7 năm, nếu ngắn hơn thì khó thanh khoản, tổn thất lớn còn dài hơn thì làm cho các vấn đề chậm được giải quyết và tài sản mất giá…, Brett Krause chốt lại vấn đề.
Với giải pháp tái cấp vốn ngân hàng, đại diện khác của nhóm công tác, ông Sumit Dutta hơn một lần cho rằng, nhóm ngân hàng yếu kém cần đóng cửa, bán nợ còn tốt cho các ngân hàng còn lại.
Chính phủ cần tham gia quá trình tái cấp vốn này nhưng có điểm dừng, ông khuyến nghị.
Cảnh báo nếu quản trị không được cải thiện thì nợ xấu lại quay lại, vị chuyên gia này nhấn mạnh yêu cầu phải “rào” các ngân hàng yếu kém, thắt chặt sở hữu chéo, rà soát quản trị, tránh tập quyền vào một số nhóm người, áp chuẩn kế toán quốc tế…
“Nợ xấu ngân hàng cần rõ ràng, cần phản hồi toàn diện và quả quyết. Đây là cơ hội để tái cấu trúc đảm bảo phát triển trong tương lai”, ông nói.
Đánh giá cao các góp ý nói trên, khi trao đổi lại, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình nhấn mạnh rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã cải thiện, niềm tin vào VND đã được nâng cao.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Bình khẳng định, nguy cơ mất an toàn hệ thống đã được giảm thiểu, kỷ luật thị trường tiền tệ đã được cải thiện.
Phó thống đốc cũng đề cập các giải pháp đồng bộ để xử lý nợ xấu trong bối cảnh ngân sách hạn chế và nguy cơ lạm phát còn tiềm ẩn. Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng chậm dần lại, nợ xấu của các tổ chức tín dụng, theo ước tính có thể đạt 3% vào cuối năm 2015.
Riêng với đề án thành lập công ty quản lý tài sản, ông Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã soạn thảo đề án xử lý nợ xấu trình Chính phủ, bao gồm hàng loạt các nhóm giải pháp, trong đó có việc thành lập công ty quản lý tài sản.
“Đề án này đã đề cập ai quyết định mua nợ xấu và mua giá nào, cơ chế thanh toán, cơ chế tài chính ra sao. Hiện đề án đã ban hành, đang tham vấn các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ”, ông Bình nói.