Nợ xấu sẽ mua bán thế nào?

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia trò chuyện với PV Tiền Phong xung quanh các vấn đề nóng trong lĩnh vực ngân hàng như: Về xử lý nợ xấu, giá vàng, tỷ giá VND/USD.

Có kỳ kèo?

Ông Nghĩa cho biết: Xử lý nợ xấu phải khẩn trương nhưng không thể nhanh. Chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ ba phương án. Một là Chính phủ không can thiệp, tự ngân hàng xử lý nợ xấu thì phải mất 7-10 năm, khi đó tín dụng đình trệ, bất động sản tiếp tục đóng băng, tăng trưởng GDP dưới 5% hoặc suy thoái. Hai là Chính phủ xử lý bằng tiền từ Ngân hàng Trung ương, mất 4-5 năm, thị trường bất động sản phục hồi chậm, tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát về lâu dài có thể là vấn đề, tỷ giá hối đoái có thể biến động nhẹ trong ngắn hạn. Ba là Chính phủ xử lý bằng tiền ngân sách, mất 2-3 năm, tín dụng tăng trưởng trở lại, thị trường bất động sản phục hồi sớm, tăng trưởng GDP có thể đạt 8%, giá cả và tỷ giá hối đoái ổn định.

Quan điểm nếu là nợ xấu xây dựng cơ bản và của doanh nghiệp nhà nước thì do ngân sách xử lý, dự kiến 100.000 tỷ đồng. Nợ xấu khu vực tư nhân thì do Ngân hàng Nhà nước xử lý qua mua bán trái phiếu đặc biệt và các ngân hàng thương mại xử lý lấy từ tiền dự phòng rủi ro và tái cấp vốn. Dự kiến 200.000 tỷ đồng.

Như thế, nếu lấy từ Ngân hàng Trung ương là từ nguồn nào, còn từ ngân sách thì Chính phủ lấy tiền ở đâu, thưa ông?

Cho đến nay chỉ có Hàn Quốc là nước duy nhất xử lý nợ xấu bằng tiền ngân sách (vay nước ngoài và vay trong nước). Còn hầu hết các quốc gia đều sử dụng mô hình hỗn hợp, bằng cả nguồn từ Ngân hàng Trung ương và từ ngân sách, trong đó nguồn từ Ngân hàng Trung ương có vai trò quyết định, do kinh tế trì trệ nên lạm phát rất thấp. Việt Nam đang lựa chọn mô hình hỗn hợp.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương lấy tiền từ nguồn dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại lệ hoặc tái cấp vốn. Còn từ ngân sách thì Chính phủ bán bớt tài sản trong nước (doanh nghiệp nhà nước), vay nợ nước ngoài, vay nợ trong nước. Riêng bán cổ phần ở các doanh nghiệp nhà nước đã thu được rất nhiều tiền, tài sản hàng hà sa số nhưng quản lý không tốt nên đang trở thành tài sản của một số người.

Nợ xấu sẽ mua bán thế nào? - 1

Xử lý nợ xấu dự kiến cần khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Thanh Hải.

Nợ xấu lớn, liên quan đến nhiều ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên có e ngại do nợ xấu quá nên nhiều khoản vay giá trị sẽ bị trả “bèo”, tâm lý mua bán kỳ kèo làm kéo dài chuyện xử lý nợ?

Chính phủ biết điều đó nên quy định, những món nợ xấu trên 3 tỷ đồng với doanh nghiệp, trên 1 tỷ đồng với cá nhân là phải bán. Nếu nợ có tài sản thế chấp mà tài sản này có khả năng phát mãi, hoặc doanh nghiệp có khả năng phục hồi thì định lại giá theo giá thị trường và mua đứt bán đoạn, trả tiền mặt. Còn các khoản nợ xấu khác, không trả giá mà mua theo con số ghi trong sổ sách kế toán, trả bằng trái phiếu đặc biệt. Sau khi nợ được mua bán, các doanh nghiệp chuyển nợ sang VAMC, có thể được miễn giảm lãi, biến nợ thành vốn góp, cho vay, hỗ trợ tái cấu trúc phát triển.

Vàng, tỷ giá: Cần ổn định dài hạn

Sau 41 phiên đấu giá bán ra hơn 40 tấn vàng, theo lý thuyết thì các ngân hàng thương mại đã tất toán vàng xong, áp lực mua bán để trả nợ không còn nữa. Vậy, tại sao giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn chênh lệch cao?

Các ngân hàng còn nhu cầu mua vàng để trả cho dân, sau những năm huy động vàng của dân để bán ra nước ngoài và cho vay. Vàng cho vay thì có kỳ hạn, chưa thể thu hồi nhanh.

Trong 6 tháng đầu năm, thị trường nước ta đã được cung cấp 60 tấn vàng chứ không phải chỉ hơn 40 tấn bán đấu giá. Giá còn chênh lệch nhưng thị trường vàng đã khá ổn định, buôn lậu giảm.

Trước mắt chính sách điều hành mới giải quyết xong bài toán vay nợ, để giá ổn định phải thực hiện biện pháp dài hạn, liên thông thị trường vàng trong và ngoài nước bằng sàn giao dịch, kinh doanh vàng bằng tài khoản hay chứng chỉ chứ không thể cứ “khuân” hàng tấn vàng qua lại như bây giờ.

Tỷ giá VND/USD vừa trải qua đợt biến động . Dù hiện tình hình đã tạm yên nhưng liệu có tiềm ẩn cơn sốt tỷ giá ví như vào những tháng cuối năm nay chẳng hạn, ông có thể phân tích giùm?

Trong kinh doanh tiền tệ, khi lãi suất VND cao thì người ta sẽ bán ngoại tệ lấy tiền đồng về cho vay hưởng chênh lệch, còn khi lãi suất VND thấp thì người ta có thể mua ngoại tệ dự trữ và kỳ vọng.

Vừa qua, các ngân hàng dư thừa tiền đồng nhiều do không cho vay ra được nên họ có thể mua ngoại tệ để gửi ngân hàng nước ngoài, hàng tỷ đô la Mỹ, tuy lãi suất thấp nhưng giữ được vốn và vẫn có lãi. Đó là lý do làm tỷ giá biến động.

Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD thời gian tới sẽ không tăng bởi các tháng 4, 5 và 6/2013 vừa qua đã tăng nhập siêu rồi trong khi dự tính cán cân thanh toán năm nay sẽ thặng dư khoảng 5 tỷ đô la Mỹ.

Cảm ơn ông !

Dự tính năm 2013, xử lý được khoảng 50% nợ xấu, sang năm 2014 làm

tiếp. Kế hoạch của ngành ngân hàng hiện nay, tái cơ cấu doanh nghiệp đến khoảng tháng 6/2014, sau đó kiên quyết chuyển hệ thống ngân hàng sang chuẩn quốc tế. Khi đó, nợ xấu có thể lại tăng lên gấp 2 - 2,5 lần hiện nay. Rất khó khăn nhưng phải làm để loại bỏ những cản trở trong mạch máu nền kinh tế, cho máu lưu thông

TS Lê Xuân Nghĩa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sáu Nghệ (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN