Nợ xấu, nợ công là 'nút thắt nghiêm trọng'

Đó là nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 với chủ đề “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, VCCI và UNDP đồng tổ chức khai mạc tại Hạ Long, Quảng Ninh ngày 28/4.

Quỹ đạo tăng trưởng bất thường

Đăng đàn đầu tiên, PGS.TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định nền kinh tế đang có quỹ đạo không bình thường khi đồ thị tăng trưởng GDP theo quý cứ sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở quý 4, thì sang quý 1 năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác. 

Khởi đầu cho một năm mới nền kinh tế lại “hỳ hục” bò lên, để liên tục tăng trong 3 quý tiếp theo, như là sự chuẩn bị cho một “cú rơi” mới vào đầu năm sau.

Ông Thiên cho rằng, nợ xấu và nợ công là “nút thắt nghiêm trọng” của nền kinh tế. Hai món nợ này đều có vấn đề là chưa thực sự rõ ràng, số liệu về nợ đang khác nhau, sai số quá lớn và chuẩn mực đo không thống nhất, xu hướng gia tăng nhanh.

Dẫn con số nợ xấu, bao gồm cả cơ cấu lại đến cuối tháng 2/2014 là 9,7%, TS Thiên lo ngại khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) không thể xử lý nhanh nợ xấu. 

Với nợ công, ông Thiên cho rằng nguy cơ cũng đáng báo động nằm ở quan điểm không chuẩn, ở tốc độ tăng nợ, vay để trả nợ chứ không phải để sản xuất. Thứ hai, kỳ hạn áp lực trả nợ tăng lên khủng khiếp khi nợ ngắn hạn tăng lên quá lớn.

Đưa ra dự liệu của mình, TS Trần Du Lịch nhận định khá hài hước, nền kinh tế tuy đã ổn định nhưng chưa đủ để phục hồi, vẫn ở tình trạng “ốm không ra ốm, khỏe không ra khỏe và thiếu sức sống”.

Không nên ngộ nhận về sự hồi phục kinh tế

Liên quan đến các kiến nghị giải pháp, TS Thiên cho rằng, “phục hồi tăng trưởng, kiềm chế lạm phát là điểm sáng. Chúng ta cần chấp nhận trả giá để phục hồi, tức là phải kiên trì giữ lạm phát, cố gắng đừng làm xao động mục tiêu này”.

Tiếp theo là việc sửa đổi hệ thống chính sách đồng bộ. Ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ tái cơ cấu. Không tạo môi trường đặc quyền đặc lợi làm méo mó thị trường…. TS Thiên đề nghị một loạt giải pháp.

TS Trần Đình Thiên lưu ý sức khỏe doanh nghiệp hiện nay như những đứa con thiếu cân, thiếu tháng nên dù số doanh nghiệp mới thành lập nhiều nhưng số vốn lại ít đi. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, TS Cao Sĩ Kiêm cũng nhận định nền kinh tế quá mỏng manh nên chỉ có vướng mắc nhỏ trong điều hành cũng khiến doanh nghiệp lao đao.

Nợ xấu, nợ công là 'nút thắt nghiêm trọng' - 1

Nợ xấu, nợ công được cho là “nút thắt” trong nền kinh tế. Ảnh: Như Ý

Đồng tình với nhận định này, TS Lê Đăng Doanh thẳng thắn: “Không nên ngộ nhận về sự hồi phục nền kinh tế hiện nay. Sự hồi phục vừa qua vẫn dựa vào xuất khẩu mà 67% là của nước ngoài, trong đó, giá trị gia tăng lại rất kém. 

Nông nghiệp đang rất khó khăn, giá giảm. Sức mua trong xã hội rất thấp, nợ xấu còn là câu chuyện dài dài. Bất động sản vẫn đang gắn với sự trì trệ của nền kinh tế”. 

Đề nghị cần có các giải pháp nhanh hơn cho các “cục máu đông” của nền kinh tế, TS Doanh cho rằng cần có kịch bản rõ ràng và “không thể tay không bắt giặc, phải có tiền tươi thóc thật để giải quyết nhanh hơn hiệu quả hơn” các vấn đề của nền kinh tế.

Giảm bội chi, khoan thư sức doanh nghiệp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng nếu chúng ta tiếp tục chính sách như hiện nay, có một vài điểm sáng le lói trong ngắn hạn. 

Nhưng về trung hạn nền kinh tế sẽ có nguy cơ quay trở lại bất ổn như một vài năm trước đây. Ông Cung nêu giải pháp: Phải khoan thư sức doanh nghiệp bằng cách Nhà nước giảm bội chi, giảm mua trái phiếu chính phủ, tăng vốn cho khu vực tư nhân.

TS Trần Du Lịch cho rằng cải cách thể chế phải thông qua rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan tới thị trường, lao động, bất động sản… Nếu làm sửa luật lẻ tẻ như hiện nay có thể làm rối loạn thị trường. 

“Tôi làm mấy nhiệm kỳ Quốc hội, lúc nào cũng thấy sửa luật mà không thấy luật mới bao nhiêu, phải chăng do Việt Nam xây dựng mô hình phát triển với một hệ thống triết lý quan điểm không rõ ràng”, TS Lịch nói.

Tại sao cải cách thể chế nói rất nhiều, mà làm lại khó đến thế?”.“Điểm nghẽn của thể chế đang nằm ở vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhưng đổi mới vai trò của nhà nước và quan hệ giữa nhà nước và thị trường lại rất ít được bàn đến”- Viện trưởng Nguyễn Đình Cung tự hỏi và trả lời.

Cho rằng chưa quan tâm đúng mức về việc cải cách thể chế, TS Cung nhận xét vẫn chưa có đổi mới thể chế toàn diện và hệ thống, có chăng chỉ là những thay đổi đơn lẻ. Vì vậy nguy cơ xung đột, mâu thuẫn giữa các thể chế cụ thể vẫn còn. 

Dù vậy Viện trưởng Cung vẫn cho rằng Việt Nam có cơ hội để thay đổi khi có thể tháo gỡ nút thắt trong cải cách thể chế, đặc biệt là việc sửa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chuyên gia Lưu Bích Hồ đề nghị Quốc hội đưa ngay vào kỳ họp tới nội dung cải cách DNNN và cần lập bộ chuyên quản cải cách DNNN để chỉ huy điều hành xử lý tất cả mọi việc liên quan. Dẫn kinh nghiệm cải cách thể chế của Trung Quốc, GS. Đỗ Tiến Sâm cho rằng đã đến lúc cần lập một ủy ban cải cách thể chế cấp Trung ương. 

Ủy ban này sẽ đóng vai trò thiết kế tổng thể và giám sát thực hiện công việc quan trọng này. Tư vấn cho ủy ban là các chuyên gia độc lập cả trong nước và quốc tế, vì nếu đưa người của bộ ngành vào thì dễ bị lợi ích cục bộ, ông góp ý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi đặt vấn đề muốn tái cơ cấu nền kinh tế trước tiên phải tái cơ cấu nguồn nhân lực. Trong khi dân trí thấp, chất lượng đào tạo thấp không gắn với nhu cầu sử dụng lao động đã dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng. Thực trạng càng học lên cao tỷ lệ thất nghiệp càng nhiều, thống kê vào quý 4 năm 2013 cho thấy 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp.

Khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2014

Bản tin Kinh tế vĩ mô số 10 vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố dự báo được đưa là GDP sẽ tăng 5,71% vào năm 2014 và sẽ dần hồi phục lên mức 5,98% trong năm 2015 tính theo giá so sánh năm 2010. Nhóm tác giả bản tin cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng sẽ dưới mức 7% trong năm 2014. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam dự báo đạt 6,84% năm 2014 và sẽ tăng nhẹ lên mức 7,08% năm 2015.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Khanh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN