Nợ xấu, muốn bán nhưng sợ…

Tại báo cáo tài chính quý 2/2014, các ngân hàng thương mại vừa công bố nợ xấu bỗng dưng tăng vọt.

Nhiều ý kiến cho rằng một phần lý do đến từ tiến độ mua nợ của Công ty khai thác & Quản lý tài sản (VAMC) khựng lại. Xung quanh vấn đề này, Tiền Phong đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC.

Nợ xấu, muốn bán nhưng sợ… - 1

Ông Nguyễn Quốc Hùng

Theo lý giải của ông Hùng, việc mua nợ chậm không phải do VAMC không tích cực mua. Cụ thể ông Hùng nói: Ở đây cần phải nhìn nhận để triển khai Thông tư 09 về phân loại nợ khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) phải rà soát lại xem xét đánh giá thực trạng khoản nợ đồng thời xem xét xây dựng phương án tái cơ cấu. Và như thế, họ phải tính toán xem khoản nợ xấu tăng lên như thế và khả năng nên xử lý thế nào.

Đến nay, VAMC mua nợ của 1.894 khách hàng; tổng số khoản nợ 3.288; tổng số tiền 56.630 tỷ đồng, giá trị mua 46.932 tỷ chiếm khoảng 80% giá trị mua nợ”. Hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp với NHNN và VAMC rà soát lại lần cuối ban hành thông tư đấu giá (điều kiện thuận lợi cho VAMC tổ chức đấu giá đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản). Khả năng văn bản sẽ sớm ban hành.

Ông Nguyễn Quốc Hùng

Việc bán nợ cho VAMC theo ông Hùng ngân hàng phải cân nhắc vì nếu bán tức là phải xử lý trích lập Dự phòng rủi ro (DPRR). Ví dụ bán cho VAMC trích luôn một năm 20% trên toàn bộ giá trị khoản nợ đó, khoản nợ đó có thể có tài sản đảm bảo nên vẫn phải trích 100%. Tỷ lệ trích cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của TCTD.

Ngoài ra, một nguyên nhân khiến TCTD chần chừ bán nợ nữa đó là đối với khối ngân hàng cổ phần, tháng 3-4 thường rơi vào mùa đại hội cổ đông, trước áp lực về lợi nhuận và minh bạch báo cáo tài chính, Hội Đồng quản trị nhiều nhà băng rất e ngại khi lãi giảm, nợ xấu tăng. “Chính vì thế, không ít ngân hàng chủ động lùi việc bán nợ”.-Ông Hùng khẳng định. 

Liệu việc e ngại bán tài sản xử lý bị rẻ khiến nhiều cán bộ ngân hàng phải chịu trách nhiệm cũng là lý do khiến ngân hàng ngại bán nợ không thưa ông?

Phần lớn các tài sản BĐS của các khoản nợ bán cho VAMC là triển khai xây dựng dự án BĐS; kể cả các dự án khác như xây dựng công nghiệp nhà máy xí nghiệp, dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị... tất cả những khoản nợ mua đều có tài sản BĐS thế chấp. Mà giờ tài sản BĐS bán rất khó, bán giá thật rẻ người ta mới mua. Bài toán phải giải ở đây là khi bán dưới giá gốc bản thân DN, TCTD cũng bị thiệt hại chưa kể có thể bị hình sự hóa. Nên dù muốn bán nhưng ngân hàng cũng phải xem xét kỳ vọng trong tương lai. Nói chung là rất khó! 

Như vậy, tức là chuyện giấu nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn đang tồn tại?

Đã đến lúc dù muốn hay không các TCTD không thể ngại hay giấu nợ xấu mãi được vì tiến tới thông lệ quốc tế, họ buộc phải minh bạch hóa. Cũng phải hỏi lại: bán nợ cho VAMC họ được cái gì(?!). Cái được nhìn thấy là sẽ được vay tái cấp vốn, nhưng cái “mất” cũng nhìn thấy ví như phải trích lập DPRR nhiều quá dẫn đến bản thân TCTD khó đảm bảo được tài chính. Thứ nữa là về nghiệp vụ kỹ thuật, mua nợ, bán nợ rồi xử lý nợ làm sao dòng vốn luân chuyển. 

Nói chung, các TCTD không ai muốn giấu nợ, mà thực sự họ đang rất muốn tái cơ cấu. Nhưng muốn “tái” được phải có VAMC hỗ trợ. Có lẽ khi và chỉ khi VAMC có được quyền năng mạnh hơn như thu giữ tài sản khi phát mại tài sản, đấu giá tài sản thì thu hồi nợ mới xử lý nhanh được.

Cảm ơn ông! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN