Nợ xấu giảm: Ngân hàng mua chéo, đảo nợ?

Báo cáo tài chính gần đây của nhiều ngân hàng cho thấy đã giảm mạnh được nợ xấu xuống dưới 3%. Việc này đồng nghĩa Cty Khai thác và Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vừa ra đời đã hết việc làm?

Bỗng dưng giảm mạnh

Sô liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM) cho thấy, chiếu theo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2012, trong nhóm 10 NHTM lớn nhất, khá nhiều có tỷ lệ nợ xấu vượt mức 3%. Như Agribank với nợ xấu chiếm 5,8% trên tổng dư nợ (27.803 tỷ đồng); SHB nợ xấu tới 8,53%, tương đương 4.844 tỷ đồng do gánh thêm nợ xấu sau khi hợp nhất với Habubank. Trong nhóm các ngân hàng nhỏ, mức nợ xấu cao phải kể đến là WesternBank (với 6,89%), Navibank (5,6%), Đại Á Bank tỷ lệ nợ xấu cũng lên tới 4,4%; BaoVietBank có 400 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 5,94% tổng dư nợ.

Đến hết quý I/2013, theo đánh giá, nợ xấu của nhiều đơn vị tiếp tục gia tăng so với cuối năm 2012. Đặc biệt, theo kế hoạch kinh doanh năm 2013, nhiều ngân hàng dù nợ xấu ở mức an toàn ở năm trước, song lại đặt ra mục tiêu nợ xấu cao hơn, như ABBank (với kế hoạch 3,54%); SouthernBank 5%... Còn theo số liệu của NHNN, khoảng 30/124 tổ chức tín dụng có mức nợ xấu trên 3%.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng mới đây lại cho thấy, sau 6 tháng chật vật xoay xở, tỷ lệ nợ xấu đã giảm dưới mức 3%. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của BIDV công bố ngày 12/8, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng khoảng 2 lần (lên 5.217 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế của BIDV đạt hơn 2.000 tỷ đồng (tăng trên 600 tỷ đồng).

Còn Southern Bank công bố, 6 tháng đầu năm, cũng nhờ lãi từ hoạt động đầu tư chứng khoán tăng vọt (từ hơn 180 tỷ lên trên 637 tỷ đồng) giúp ngân hàng đạt trên 189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp khoảng 5 lần cùng kỳ 2012 (dù các loại chi phí đều tăng). Nợ xấu chiếm 2,77% tổng dư nợ.

Không như các ngân hàng khác, ACB là ngân hàng đầu tiên công khai về nợ xấu của mình, khi cho biết đang có 3.090 tỷ đồng nợ xấu và sẵn sàng bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Nợ xấu giảm: Ngân hàng mua chéo, đảo nợ? - 1

Nhiều ngân hàng muốn giấu nợ xấu. ẢNH: Ngọc Châu.

Giấu nợ xấu, đẹp sổ sách?

Về việc nợ xấu của một số đơn vị giảm, các chuyên gia ngân hàng nhận định: Có thể do ngân hàng đang tìm cách mua chéo nợ xấu của nhau. Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trương Thanh Đức- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp lý của Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, với các quy định và tốc độ như hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng trong vài tháng tới sẽ tiếp tục giảm nữa.

“Nợ xấu của hệ thống ngân hàng thậm chí phải lên tới 30%. Người lạc quan nhất nói là 20%, nhưng nhiều ngân hàng báo cáo dưới 3%. Còn NHNN tổng kết 4,65%. Nếu quả thật với nợ xấu như vậy cũng không cần thiết phải thành lập VAMC. Nợ xấu thực tế theo tôi cảm nhận có thể từ 11,5% đến 20% do các ngân hàng đã đảo nợ được khoảng 6-7%”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, với nợ xấu, bản thân ngân hàng đã trích dự phòng rủi ro. Giờ nếu mua bán nợ qua VAMC, ngân hàng vẫn phải trích tiếp. Tiền trích lại được lấy từ lợi nhuận của chính ngân hàng. Như vậy, tất cả chỉ là làm đẹp sổ sách. Mà để làm đẹp sổ sách, các tổ chức tín dụng như các NHTM cổ phần thừa sức, muốn 10% hay 1% cũng được.

“Về nguyên tắc, các ngân hàng có thể bán bất cứ khoản nợ xấu nào cho nhau. Tôi bán nợ xấu cho anh, anh bán lại nợ xấu của anh cho tôi. Hai khoản nợ như nhau. Đảo một hồi lại đẹp”, ông Đức phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, VAMC chỉ là một công cụ, còn ông “bác sĩ” thực giải quyết “cục máu đông” nợ xấu chính là các ngân hàng, doanh nghiệp và Chính phủ. Vì vậy đừng kỳ vọng nhiều quá vào VAMC.

“NHNN đưa ra một công cụ tài chính, nhưng hoàn toàn không có rủi ro gì cho VAMC bởi các ngân hàng bán nợ đi rồi nhưng không biết được chiết khấu bao nhiêu, được hưởng thế nào trong khi vẫn phải trích lập dự phòng. Với họ, như vậy thực ra điều này vẫn rủi ro nhiều hơn nếu bán trên sổ sách. Những yếu tố trên cho thấy ngân hàng giấu nợ xấu là có cơ sở”, ông Hiếu nói.

Trao đổi với báo chí mới đây, Tổng GĐ VAMC Nguyễn Hữu Thủy cho biết sẽ ưu tiên các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất và những món nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản. Dự kiến, các giao dịch đầu tiên sẽ được thực hiện cuối tháng 8 này. Để mua các khoản nợ xấu, trong 2 tháng tới, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng với tổng giá trị nợ xấu mua khoảng 10.000 tỷ đồng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN