Nợ xấu, để trôi đi ngân hàng sẽ chết
“Ngân hàng đã đi qua giai đoạn đổ vỡ, tới đây nổi lên là câu chuyện sáp nhập ngân hàng nhỏ với các “ông lớn” NHTM Nhà nước; nợ xấu phải nhanh có cơ chế tháo cho xong vướng, cứ để trôi đi ngân hàng… chết ” - ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia nhận định.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nếu để nợ xấu trôi đi sẽ nguy hiểm cho ngân hàng. Ảnh: Như Ý.
Nhận xét về bức tranh ngân hàng hiện tại, ông thấy sao?
Giai đoạn một, cả hệ thống ngân hàng đã làm được điều: tránh đổ vỡ co hẹp về số lượng, nhìn bề ngoài đã có xu hướng tốt lên.
Lịch sử đã để lại cho hệ thống những “di chứng” như thời kỳ tăng trưởng nóng về quy mô và số lượng, bùng nổ các NH từ nông thôn lên đô thị. Thị trường nhỏ nhưng nhiều NH dồn hết lên phố; làm gì chẳng “tranh giành” khách cho bằng được; rồi đến thời kỳ tăng trưởng tín dụng cứ đều đặn vọt lên mức vài chục phần trăm dẫn đến cho vay dễ dàng từ đó gây nợ xấu lớn cho nền kinh tế. Còn hiện nay đã giải quyết được mấy nút thắt như NH thường xuyên mất khả năng thanh khoản nay thanh khoản đã tốt lên; thị trường vàng tỷ giá ổn định; tín dụng đã chú trọng chất lượng cho vay ra món tốt hơn; Lãi suất giảm từ mấy chục phần trăm xuống chục phần trăm.
Ông có nhận xét gì về quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra?
Tái cơ cấu NH đợt 1 là để tránh đổ vỡ bởi hồi đó có nguy cơ vỡ thị trường; giờ đã phát triển tốt lên. 3 năm qua là quãng thời gian các ngân hàng đã sáp nhập hay tái cơ cấu phải tranh thủ làm mới công nghệ; củng cố nhân lực đào tạo tốt lên.
Năm nay tín dụng tăng 14-15% là được đấy. Vì có 3 lý do: nền kinh tế đang trỗi dậy; Cổ phần hóa đang tốt; và nhân sự cũng thúc đẩy. Ông Cao Sỹ Kiêm |
Giai đoạn 2 tới đây sẽ nổi lên là câu chuyện sáp nhập với NHTM Nhà nước với các NH nhỏ; Việc sáp nhập sẽ trên nguyên tắc bổ sung tự nguyện cho nhau như “ghép thận - gan”. Nếu anh nhỏ với anh lớn bổ sung cho nhau tốt thì quả tốt; ví như Vietcombank nếu ghép với SaigonBank đây; nợ xấu của SaiGonBank đối với “anh” Vietcombank thực ra chẳng “thấm” gì. Quan trọng nếu anh lớn nhận anh nhỏ về, họ sẽ toan tính để phát huy được tiềm lực khi sắp xếp lại có tổ chức; bỏ đi những chi nhánh không hiệu quả; có chiến lược tuyển người; đào tạo và đào thải có sàng lọc (về cơ bản chắc chắn CBCNV vẫn có việc làm ổn định).
Ông Cao Sỹ Kiêm.
Theo đề án của NHNN, ít nhất 5-6 NH sáp nhập trong năm nay, việc một số NH nhỏ có thể biến mất có khiến người dân e ngại, rút tiền ở những NH có tin đồn?
Không sợ. Nếu NH mới có chiến lược kinh doanh mới, lợi nhuận cổ tức tốt thì cả cổ đông lẫn người gửi tiền còn lợi hơn. Nói chung trong năm nay các NH nên tự tìm đến nhau và lựa chọn ; còn lại khoảng 30 NH thì là vừa .
Nợ xấu bán đấy nhưng vẫn là trên sổ sách, lãnh đạo VAMC “kêu khổ” khi đi mua nợ. Ông nghĩ gì về câu chuyện xử lý nợ xấu?
Nợ xấu, nếu cứ để trôi đi thì ngân hàng chết; vì như thế cái gì cũng giảm; giảm chi phí, giảm khấu hao. Ngày xưa người ta giải quyết nợ xấu bằng thế chấp; nay làm gì ra lãi 10%; Hồi bấy giờ vay 22% khiến người ăn cả vào vốn tự có, DN ko trả nợ được; nếu lãi suất cứ 20%, chỉ 5 năm là DN ăn hết vốn.
Về xử lý nợ xấu giờ gặp 2 cái khó: vốn ở đâu; nhà nước có cho không? Dựa vào nước ngoài thì phải có cơ chế có sinh lời, có làm, có tài sản thế chấp; có tranh chấp; cấp vốn chỉ một phần nhỏ còn phải tự quay lấy củng cố nợ bán cho NH nước ngoài; nợ xấu chỉ đẩy từ NHTM sang VAMC để nợ xấu giảm đi, khả năng vay vốn tốt lên; chứ chưa thực sự cho người ta cơ chế giải quyết “gốc” vấn đề.
Năm nay, doanh nghiệp muốn gì từ ngân hàng, theo ông?
Câu chuyện của năm nay phải cụ thể hóa giải quyết được nút thắt tiêu chuẩn vay không có tài sản thế chấp đối tượng được vay sẽ như thế nào? Việc hình sự hóa trong quan hệ tín dụng mà ngân hàng đang “kêu” nhiều cho thấy 2 mặt: Về bản chất và bản thân NH phải thực hiện đúng quy định; không phải ai cũng có thể khẳng định là tôi làm đúng rồi; nhất là trong nông nghiệp khi mùa này được; mùa sau thất bát thì NH không cẩn thận sẽ mất như chơi; Thực ra đã là NH thì ắt có rủi ro; như nước Mỹ hiện đại thế vẫn còn có đổ vỡ; Nhưng nói là thế chứ hệ thống NH Việt Nam giờ đã qua thời lỏng lẻo ban phát; hiện nay đang đi vào kinh tế thị trường mà kinh tế thị trường thì có đúng, có sai, quan trọng phải làm bằng cả tri thức, nghiệp vụ.
Cảm ơn ông!