Nợ xấu của một số ngân hàng tăng mạnh vì yếu kém
Đến cuối tháng 6, nợ xấu báo cáo của các tổ chức tín dụng là khoảng 157.000 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối năm ngoái.
Đó là con số đáng chú ý được đưa ra trong báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG).
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ở mức 2,9%, trong khi cuối năm 2016 tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 2,6%. Trong đó nợ xấu báo cáo tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành kém, đang thuộc diện tái cơ cấu.
Theo báo cáo của cơ quan này, tín dụng 8 tháng đầu năm nay tăng khoảng 11,5% so với cuối năm ngoái. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm. Tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1%, chiếm gần 46% tổng tín dụng. Tín dụng trung hạn chiếm 54%, trong khi cuối năm 2016 tỷ lệ này là hơn 55% tổng tín dụng.
Đáng lưu ý là, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Tín dụng ngoại tệ ước tăng 11,5% cao hơn gấp nhiều lần so với mức 1,7% của giai đoạn cuối năm ngoái và tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Về huy động vốn cho nền kinh tế, UBGSTCQG cho biết huy động vốn 8 tháng đầu năm nay tăng hơn 9%, trong đó tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 8,7% so với cùng kỳ và phát hành giấy tờ có giá tăng 18,6%.
Với mức tăng trưởng tín dụng tích cực đã giúp tình hình lợi nhuận của các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống khả quan hơn. Theo đó, tính đến hết tháng 7, tổng lợi nhuận sau thuế của các TCTD đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ vào hoạt động tín dụng và dịch vụ.
Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tiền gửi của kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng là 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.
Cũng theo số liệu từ UBGSTCQG, thanh khoản hiện tại của hệ thống ngân hàng khá dồi dào với việc lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ so với cuối tháng 7, từ 0,2 - 0,3%.