Nợ nước ngoài tăng 6,5 lần sau 14 năm

Sự kiện: Kinh Doanh

“Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả. Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Nhu cầu chi lớn nên vay lớn. Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định như vậy tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nợ nước ngoài tăng 6,5 lần sau 14 năm - 1

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công tăng nhanh do điều hành.

Dự báo sai, nợ công phình lên

Ngày 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ, vấn đề quản lý nợ công đã bộc lộ một số bất cập, như nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn vay nợ công còn dàn trải và hiệu quả đầu tư chưa cao, đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay. Thực tế trên là do nhận thức về nợ công hạn chế, phần nào vẫn còn tâm lý “bao cấp” từ nhà nước, nhất là vốn ODA và trái phiếu Chính phủ.

Theo Tờ trình của Chính phủ: Chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối năm 2015 so với cuối năm 2001 đã tăng 6,5 lần, tập trung vào ba nhà tài trợ chính: Ngân hàng Thế giới tăng 11,5 lần, Ngân hàng Phát triển châu Á tăng 20,3 lần, Nhật Bản tăng 6,8 lần.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nêu hàng loạt vấn đề đang tồn tại quanh câu chuyện nợ công hiện nay. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu: Luật sửa đổi lần này có giải quyết được những bất cập mà Chính phủ vừa đề cập không? Từ khi có luật (năm 2009) đến nay, lẽ ra phải hạn chế, nhưng vì sao nợ công lại tăng nhanh như vậy? Cách tính nợ công thế nào, kinh nghiệm từ quốc tế ra sao, có giống cách tính của ta không?

Giải trình những bất cập vừa nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công tăng nhanh trước tiên do điều hành. Chi tiêu thì quyết theo nhu cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế không đạt như dự báo. Năm 2016, kế hoạch tăng trưởng kinh tế là 6,7%, thực tế chỉ đạt 6,21%. GDP được xác định làm mẫu số để tính các chỉ số nợ công, bội chi được cơ quan dự báo đưa ra 5,1 triệu tỷ đồng, song con số thực chỉ đạt 4,5 triệu tỷ đồng. Dự báo tăng trưởng sai, chẳng năm nào đúng, dẫn đến nợ công cứ tăng lên.

“Vay cứ vay, chia cứ chia, trả nợ cứ trả. Như thế làm sao quản lý chặt chẽ được, làm sao làm rõ trách nhiệm được? Nhu cầu chi lớn nên vay lớn. Nợ công tăng nhanh là đúng, áp lực trả nợ cao là đúng”, ông Dũng cho hay.

Một cửa trả nợ, ba cửa vay

Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh nợ công. Dự thảo luật quy định, nợ công bao gồm nợ Chính  phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Tuy nhiên lại có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nợ vay của Ngân hàng Nhà nước... Bởi trên thực tế, nhiều “ông lớn” như Vinashin, Vinalines trước đây vay nợ, rồi khi tái cơ cấu, Chính phủ vẫn là người đi trả nợ thay.

Không đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, nếu đưa nợ của DNNN cũng là nợ công thì “tính nguy hiểm” sẽ cao. Bởi khi có Chính phủ bảo lãnh, lo trả nợ cho rồi họ sẽ làm bừa, làm ẩu. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, tỷ lệ nợ công hiện đã áp trần 65% GDP. Nếu bây giờ cộng thêm số nợ từ DNNN vào thì tỷ lệ nợ công có còn là 65% nữa hay không? Mặt khác nợ DNNN còn được điều chỉnh bằng nhiều luật khác nữa, nếu đưa hết vào thì phạm vi nợ công không rõ ràng.

Qua khảo sát 40 nước trên thế giới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hầu hết các nước đều không tính nợ DNNN vào nợ công. Như Vinashin, nếu cho phá sản thì Chính phủ chỉ chịu phần đã bảo lãnh. Nhưng do chủ quan nên đề án tái cơ cấu một số khoản không phải Chính phủ bảo lãnh vẫn đưa vào nợ của Chính phủ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh của nợ công, nên giữ nguyên như cũ hay mở rộng ra với cả DNNN, các khoản nợ tạm ứng trước, nợ xây dựng cơ bản... Trước tình trạng cắt khúc, quản lý nợ công không theo hệ thống, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ việc bảo lãnh, vay về cho vay lại. 

Trong bối cảnh “nhà chỉ có một cửa trả nợ mà tới vài ba cửa vay”, ông Hiển lưu ý, đi vay không chỉ là trả nợ, mà còn phải tính đến hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình dự án ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Nam (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN