Nợ công VN: Đừng để "đời con khát nước"

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, con số nợ công thực tế mà một người dân VN phải "gánh" còn cao hơn. Nếu xử lý nợ công không tốt, đời con cháu sau này sẽ “lãnh đủ”.

Việt Nam nợ bao nhiêu?

Ngày 15.4, đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, báo chỉ số nợ công của VN hiện đang chiếm 49,2% GDP toàn quốc. Theo đó, với tổng mức nợ công hiện là 72,523 tỷ USD, tính theo mức dân số VN mà Global debt clock cung cấp là 89.740.893 người, mỗi người dân đang "gánh" 808,1 USD nợ công.

Thực tế, theo các quy định của VN, DN dù là DNNN hay tư nhân đều hạch toán độc lập, không "dính" gì tới Nhà nước, DN phá sản thì mặc DN. Nhưng thời gian qua, Vinashin là DNNN phá sản, Bộ Tài chính đã phải bảo lãnh nợ mấy trăm triệu USD mà DN này không trả được.

"Như vậy nợ DN đã biến thành nợ Chính phủ, nợ công mà VN cần phải tính một cách "sòng phẳng" với dân" - ông Quang A nói. Chưa kể, "nhiều khoản nợ còn chưa tính được của các bô, ngành và địa phương, điều này đã và đang cho thấy ngay từ đầu con số về nợ của VN đã rất mù mờ"- ông Quang A cho biết.

Bình luận về con số này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A khẳng định: Đấy chỉ là con số ước lượng và "hơi ít" so với thực tế nợ công của VN. Theo ông Quang A, số nợ công thật của VN chia bình quân đầu người chắc chắn sẽ phải trên 1.200-1.300 USD, bởi con số nợ công mà The Econmist.com công bố hoàn toàn theo "cách tính về nợ công của VN và dựa vào các số liệu về nợ công mà VN công bố mà thôi".

Ông Quang A khẳng định, nợ công - theo cách tính của VN-chỉ bao gồm nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương, rồi họ lấy số liệu nợ mà Bộ Tài chính đã công bố để chia đều trên số dân VN. Trong khi đó, nợ công thật phải bao gồm cả nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà VN vẫn "quen" cho rằng đó là nợ DN chứ không phải nợ công, nợ Chính phủ và toàn dân phải trả.

Nợ công VN: Đừng để "đời con khát nước" - 1
Nợ công của VN hiện đang chiếm 49,2% GDP toàn quốc.

Ông Võ Trí Thành-Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, cho đến nay vẫn chưa đánh giá được chính xác nợ công và những rủi ro từ nợ công của VN. Lúc thì VN công bố nợ công là dưới 50% GDP, lúc nói là 54%, có khi lại đưa ra con số là 56%. Nợ công của VN chưa thể đánh giá hết cũng là bởi quan niệm có hay không việc đưa nợ DNNN vào? Rồi nợ trong nước, nợ ngoài nước như thế nào?

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, VN không nên "né" nợ DNNN để rồi công bố con số "đẹp" về nợ công. Chính vì "định nghĩa" về nợ công khác biệt là không đưa nợ DNNN vào mà ta luôn công bố số nợ công khác nhau.

Ông Doanh ví dụ 650 triệu USD nợ của Vinashin, trước đây, Bộ Tài chính khẳng định là không lấy tiền đóng thuế của dân để trả nợ nhưng hiện nay, Bộ này đã phải chấp thuận phát hành trái phiếu để trả nợ cho Vinashin, vậy nợ này đã được tính là nợ công.
Ông Doanh cho rằng, "với công bố nợ DNNN là 51% GDP cộng với nợ công là 55% GDP thì con số nợ thực tế của VN hiện phải lên tới 106% GDP, chứ không chỉ là dưới 50% như The Economist công bố".

Đừng để "đời con khát nước"...


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bản thân nợ công không "xấu", nếu VN vay nợ để đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, hưởng thụ của cải ấy. Quan niệm của quốc tế cũng chỉ ra rằng, nợ công dưới 60-65% GDP và được sử dụng hiệu quả thì nợ công ấy không đáng ngại. Nhưng nếu nợ công lên xấp xỉ 100% hoặc cao hơn 100% GDP, thì sẽ rủi ro cao, nợ từ tốt sẽ thành xấu, thành tai họa.

"Tôi sợ chúng ta đang tiến dần đến chỗ xấu và tai họa ấy"-bà Lan nói. Bởi theo bà Lan, VN đang "gánh" nợ quốc doanh, nợ đầu tư công từ các tập đoàn, "ông lớn" quá lớn, nếu cộng tất cả vào thì VN có thể đã đến ngưỡng 100% GDP hoặc hơn thế.

Cải tổ DNNN là rất quan trọng để giảm bớt nợ công.

Hiện nay, phần DNNN vay chưa gây lo ngại bởi đa số là các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp, nhưng "đống này" đang rất tù mù, DNNN hoạt động không hiệu quả.

Cứ nhìn Vinashin, Vinaline sẽ thấy rất rõ. DNNN cứ "vung tay" vay tiền rồi nợ thì kiểu gì người dân cũng phải trả bằng tiền thuế của họ".

Ông Nguyễn Quang A

Cũng ở góc độ đánh giá rủi ro của nợ công, theo ông Võ Trí Thành là còn phải dựa vào dòng tiền trả và khả năng của nền kinh tế VN nói chung, hiệu quả của đầu tư công...
Gắn với những "cú sốc" với nền kinh tế hiện nay, khả năng VN có huy động được nguồn lực (như dự trữ ngoại tệ) để trả được nợ hay không? Rủi ro không chỉ được xem xét ở tầm vĩ mô mà cả ở lòng tin của người dân... Từ đó, chúng ta mới đánh giá đúng được rủi ro của nợ công.

"Nếu nhìn nhận nợ công ở tất cả các khía cạnh ấy thì tôi cho rằng, tỷ lệ nợ công của VN/GDP vẫn ở tầm kiểm soát nhưng rủi ro cao không phải là không có. Đó là rủi ro từ khu vực DNNN, từ hiệu quả thấp của đầu tư công hiện nay, từ hạn chế bất ổn của kinh tế vĩ mô..." - ông Thành đúc kết.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng có quan điểm rằng, nợ công của VN dù chưa rõ ràng nhưng đang tăng lên là khó khăn có thực, đòi hỏi VN cần có sự giám sát, kiểm tra xem nợ công có đang được sử dụng hiệu quả hay không?! Chúng ta đừng để "đời cha ăn mặn, đời con khát nước".

Hiện giờ, tài nguyên đã và đang bị khai thác cạn kiệt, không biết đời con cháu lấy gì mà trả nợ? Đây là những câu hỏi cần có câu trả lời nghiêm túc. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN