Nợ bảo hiểm hàng nghìn tỷ đồng, không sao?
Mối lo về khả năng quỵt nợ Bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp mà không bị xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng cho người lao động, khiến các nhà quản lý đang tính đến khả năng xử lý hình sự đối với hành vi này?
Nợ hay chiếm dụng?
Trước tình hình kinh tế khó khăn cùng những kẽ hở về quản lý nhà nước trong việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, không hẳn doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn trong kinh doanh để trì hoãn việc đóng BHXH cho người lao động.
Theo ông Trần Đình Liệu, năm 2012 có đến gần 60.000 doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng hoạt động, trong đó, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế lớn nhất là đến các doanh nghiệp xây dựng và chứng khoán. “Đối với doanh nghiệp xây dựng, đa số người lao động đều làm theo kiểu khoán việc, chỉ những doanh nghiệp lớn, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia thì người lao động mới được đóng BHXH. Có đến 70 - 80% lao động ngành xây dựng không tham gia BHXH” – ông Trần Đình Liệu phân tích.
Nghiêm trọng hơn là khả năng doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế, nhất là khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lợi dụng kẽ hở của luật để kiếm lợi trên mồ hôi nước mắt của người lao động. “Một doanh nghiệp FDI có đến cả nghìn lao động. Theo luật hiện hành, doanh nghiệp chây ỳ chưa đóng BHXH thì số tiền thu về đã lên tới con số 10 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp cứ vào đầu tư và chỉ cần hoạt động trong vòng 5 năm, sau khai báo bị lỗ, hoặc hoạt động khó khăn rồi xin phá sản. Nhưng chính trong 5 năm đó, chỉ riêng tiền chiếm dụng BHXH của người lao động họ đã hốt vài chục tỷ đồng. Hậu quả là nhà nước phải giải quyết, thiệt thòi thì rơi vào người lao động” – ông Trần Đình Liệu đánh giá.
Có tới 70% lao động ngành xây dựng không tham gia BHXH
Thực tế, theo thống kê, lũy kế đến hết tháng 2-2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế lên tới gần 10.400 tỷ đồng, trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ kinh doanh khó khăn đồng thời có cả những doanh nghiệp đang chiếm dụng khoản tiền không nhỏ từ người lao động đóng cho BHXH.
Nên xử lý hình sự
Theo PGS. TS Vũ Quang Thọ, Phó hiệu trưởng Đại học Công đoàn, BHXH đối với người lao động là một trong bốn nội dung của chính sách an sinh xã hội ở nước ta hiện nay. Còn với các nước phát triển, quỹ bảo hiểm xã hội là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất, bất luận hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện. Thế nhưng với nước ta hiện nay, quỹ BHXH không những có nguy cơ bị vỡ như dự báo của Ngân hàng thế giới mà nhìn vào hiện tại đang có hàng nghìn tỷ đồng BHXH bị nợ. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến chính sách an sinh, cụ thể là miếng cơm, manh áo, cuộc sống lâu dài của hàng triệu lao động.
Để kiểm soát việc doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động, một số địa phương lên phương án kiện doanh nghiệp ra tòa. Tuy nhiên, theo ý kiến của ông Trần Đình Liệu, nếu trốn hoặc nợ BHXH, theo quy định thì cơ quan đại diện hoặc tự người lao động có quyền khởi kiện chủ sử dụng lao động ra tòa. Khởi kiện ra tòa là để phân xử đúng - sai giữa các bên nguyên đơn và bị đơn. Còn quỵt tiền BHXH là tội của chủ sử dụng lao động. Bởi thế không chỉ phân biệt đúng sai mà phải xử lý bằng chế tài luật. “Đối với doanh nghiệp trốn thuế cơ quan thuế có quyền phạt hoặc kiến nghị xử lý hình sự. Việc này cũng nên đối chiếu với hành vi trốn nợ BHXH. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tư pháp thảo luận về việc đưa tội trốn, quỵt đóng BHXH cho người lao động thành tội hình sự” – ông Trần Đình Liệu cho biết.
Bên cạnh đó, để quyền lợi người lao động được đảm bảo, đặc biệt trong hoàn cảnh cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh gặp khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng nên có nhiều biện pháp hỗ trợ. Cụ thể, trong dự thảo Luật BHXH đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua thay vì những quy định nặng về mệnh lệnh hành chính trong việc chấp hành nộp BHXH của doanh nghiệp nên bổ sung quy định về cơ chế bảo hiểm nguồn BHXH trong doanh nghiệp cũng như thành lập quỹ điều tiết quốc gia về BHXH để ứng phó với tình huống doanh nghiệp bị phá sản hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do khó khăn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.