Niềm tin vào vàng suy giảm
Sau 2 tuần giảm liên tiếp, vàng không còn nhận được niềm tin lớn từ nhà đầu tư.
Vàng trong nước giảm nhẹ hơn vàng thế giới
Vào lúc 11h15 trưa cuối tuần, giá vàng Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC không có nhiều thay đổi so với đầu giờ sáng. Giá vàng SJC Hà Nội: Mua vào 47,30 triệu đồng/lượng; bán ra 47,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC Hồ Chí Minh: Mua vào 47,30 triệu đồng/lượng; bán ra 47,50 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng đứng im. Giá vàng SJC: Mua vào 47,30 triệu đồng/lượng; bán ra 47,50 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB: Mua vào 47,30 triệu đồng/lượng; bán ra 47,40 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tại công ty vàng bạc đá quý SBJ đứng im. Giá vàng SBJ giao dịch ở mức: Mua vào 46,60 triệu đồng/lượng; bán ra 47,75 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: Mua vào 46,90 triệu đồng/lượng; bán ra 47,42 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Doji điều chỉnh giá vàng tăng nhẹ. Giá vàng Doji Hà Nội (bán lẻ): Mua vào 47,38 triệu đồng/lượng; bán ra 47,50 triệu đồng/lượng. Giá vàng Doji Tp Hồ Chí Minh (bán lẻ): Mua vào 47,40 triệu đồng/lượng; bán ra 47,50 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với cuối tuần trước, giá vàng SJC giảm 500.000 đồng/lượng, tương ứng 1,05% và rơi về vùng 47,30 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 12 dừng ở mức 1.759,7 USD/ounce, giảm 21,1 USD/ounce, tương ứng 1,2% so với cuối tuần trước.
Giá vàng trong nước có tốc độ giảm nhẹ hơn thế giới khiến khoảng cách giữa hai mức giá được nới rộng hơn. Giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới khoảng 3,3 triệu đồng/lượng.
Niềm tin suy giảm
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng tiếp tục giao dịch dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce khi thị trường thiếu chất xúc tác để đẩy giá vàng vọt qua ngưỡng kháng cự quan trọng này. Các nhà quan sát thị trường nhận xét điều này có thể tiếp diễn trong tuần sau.
Trong cuộc khảo sát Kitco News Gold Survey, 33 người tham gia nhưng chỉ 21 người trả lời. Trong 21 người, 10 người dự báo giá vàng tăng trong tuần sau, 9 người dự báo giảm và 2 người dự báo đi ngang. Những người tham gia là các nhà giao dịch vàng miếng, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch tương lai, quỹ quản lý tiền và các chuyên gia phân tích kỹ thuật.
Hôm qua, giá vàng được mua bán ở mức giá giảm, khối lượng giao dịch thấp sau xu hướng bán ra thống trị từ cuối tuần trước. Các chuyên gia phân tích tại Commerzbank nhận xét: “Tại thời điểm này, rõ ràng thị trường thiếu động lực cần thiết để tạo thêm lợi nhuận. Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu không leo thang thêm”.
Họ cũng nhấn mạnh rằng sau đợt đổ xô vào vàng trước đây, hoạt động của các quỹ giao dịch có phần chậm lại với “thái độ chờ và xem” ngày càng trở nên rõ ràng hơn giữa các người mua ETF.
Commerzbank dự báo khi nhìn thấy nguy cơ ngày càng cao, những nhà đầu tư tài chính sẽ sẵn sàng cho hoạt động chốt lời, gây nên áp lực cho giá vàng.
Tuy nhiên, Commerzbank cho biết họ không thấy thiệt hại đáng kể do các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn tuân thủ chính sách tiền tệ nới lỏng để bảo vệ nền kinh tế.
Bob Haberkon, nhà môi giới hàng hóa cao cấp, RJO Futures, cho biết ông trung lập trong dự báo giá vàng tuần sau. Ông đoán giá vàng sẽ dao động trong khoảng 1.760 USD/ounce và 1.780 USD/ounce. Ông giải thích: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ lại nhìn thấy những gì đã diễn ra trong tuần này. Tôi sẽ chú ý các thông tin ngoài châu Âu”.
Ông còn cho rằng thị trường có thể yên ổn trong vài tuần tiếp theo khi mà thị trường trong trạng thái chờ đợi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11. Ông nói: “Sau cuộc bầu cử, thị trường sẽ tập trung vào vách đá tài khóa và trần nợ. Và đó có thể là thời gian thực sự tốt cho kim loại này”.
Edel Tully, chiến lược gia kim loại quý tại UBS nhận xét trong khi hoạt động mua đầu cơ và dòng tiền của các quỹ ETF đã hỗ trợ vàng leo lên ngưỡng hiện tại, bà kỳ vọng nhu cầu vàng vật chất đến từ các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục ủng hộ vàng.
Bà nói: “Con đường tương lai của các đồng tiền tại thị trường mới nổi so với USD sẽ là yếu tố quan trọng khiến nhu cầu vàng quay trở lại”. Bà nhấn mạnh, sự mạnh lên của đồng rupee Ấn Độ đã tạo nên nhu cầu mua vào vàng vật chất.