Những vụ kiện ngân hàng "thật như đùa" ở VN

Khách đi kiện ngân hàng vì bực mình mất vài ngàn đồng, nhân viên ngân hàng ôm sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng của khách đi cắm, giám đốc ngân hàng hứa suông làm khách mất cả trăm triệu... là những vụ kiện hy hữu của khách hàng đối với giới ngân hàng thời gian qua.

Bực mình khi mất thêm 5.500 đồng

Ông Quang, khách hàng của một ngân hàng, ở TP.HCM, ngày 3/4/2013, ông đến cây ATM của Ngân hàng này để rút 15 triệu đồng. Mọi khi ông chỉ cần giao dịch ba lần (mỗi lần được rút 5 triệu đồng), tốn phí rút tiền là 3.300 đồng.

Tuy nhiên, thời điểm đó, cây ATM ở đây chỉ còn tiền mệnh giá 50.000 đồng nên ông buộc phải rút đến tám lần, mỗi lần được 1.750.000 đồng, mất 8.800 đồng tiền phí mà vẫn chưa đủ số tiền định rút. 

Bực mình khi mất thêm 5.500 đồng so với mọi khi mà chưa đủ số tiền cần có, ông Quang vào phòng giao dịch của ngân hàng này ở địa chỉ trên khiếu nại. Ngân hàng đã tiếp xúc và giải thích, nhưng ông không hài lòng và đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu trả lại… 5.500 đồng.

TAND quận 1 (nơi ngân hàng này đặt trụ sở) đã thụ lý vụ kiện. Và ông Quang cũng đã đóng tạm ứng án phí 200.000 đồng theo thông báo của tòa này. Cuối tháng 9, tòa đã tiến hành hòa giải nhưng bất thành.

Vị khách tự tin nói về việc đòi lại 5.500 đồng: "Tôi tin mình sẽ thắng kiện. Việc đi kiện là nhằm để ngân hàng nhận lỗi, công khai sửa chữa. Đây là thiện chí xây dựng chứ không phải phá hoại".

Bị kiện vì làm mất sổ đỏ của khách

Làm mất “sổ đỏ” của khách hàng, một chi nhánh Ngân hàng nọ từng bị tòa án tuyên buộc bồi thường hơn 2,6 tỉ đồng và cắt luôn tiền lãi. 

Theo đó, khổ chủ vay tại Chi nhánh ngân hàng này 800 triệu đồng, thời hạn vay 12 tháng, thế chấp một sổ đỏ. Tuy nhiên, “sổ đỏ” của khách hàng này bị nhân viên phòng giao dịch - đem ra ngoài cầm cố vay tiền cho cá nhân. Sau nhiều lần khiếu nại không được giải quyết, đồng thời bị bên mua thúc bách bồi thường 4 tỉ đồng, khách hàng đã khởi kiện đòi Chi nhánh ngân hàng này bồi thường hơn 2 tỉ đồng cộng lãi phát sinh.

Sau đó, TAND TP nơi chi nhánh Ngân hàng này làm việc đã xét xử sơ thẩm, tuyên buộc Chi nhánh ngân hàng này phải bồi thường cho khách 2 tỉ đồng và lãi suất hơn 614 triệu đồng, do làm mất sổ đỏ của khách. Tòa tuyên người khởi kiện chỉ trả 800 triệu nợ gốc, không phải trả lãi cho Chi nhánh ngân hàng.

Tuy nhiên sau đó, vụ việc diễn biến theo chiều hướng khác, cho thấy rất nhiều điều bất ngờ hy hữu trong việc xử lý tài sản thế chấp ngân hàng để trả nợ. 

Tin lời giám đốc ngân hàng, mất trắng 400 triệu đồng

Tin lời một giám đốc ngân hàng, ông Ngô Đăng Chính chuyển gần 400 triệu đồng vào tài khoản của một doanh nghiệp có xe tải bị ngân hàng trên xiết nợ để được mua lại chiếc xe này. Tuy nhiên, sau đó ông Chính vừa không mua được xe, vừa bị mất trắng số tiền trên - thông tin trên báo Dân Việt.

Giám đốc ngân hàng này mời ông về phòng làm việc của bà để bàn việc mua xe ô tô tải của một công ty bị ngân hàng này xiết nợ. 

Tuy nhiên, sau đó ông Chính không mua được chiếc xe này và bị mất luôn số tiền gần 400 triệu chuyển khoản để mua xe bởi trót nộp vào tài khoản của công ty xiết nợ. 

Nạn nhân của vụ việc sau đó cho biết đã nộp đơn lên TAND thị xã để khởi kiện bà Giám đốc này.  Theo nội dung đơn kiện, ông Chính đòi bà này bồi thường số tiền 394 triệu đồng cộng với lãi suất đã chiếm đoạt của ông Chính qua việc lợi dụng sự tín nhiệm của ông này. 

Trước đó, ngân hàng này đã cử tổ công tác vào làm việc với ông Chính. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, đại diện ngân hàng này thoái thác trả lại tiền cho ông Chính và khuyên ông Chính rút đơn khiếu nại để được ngân hàng này… hỗ trợ.

Ngân hàng kiện khách vay "bóng chim tăm cá"

Đến hạn trả nợ, DN bỏ trốn khỏi nơi cư trú, che giấu địa chỉ cư trú. Ngân hàng khởi kiện, nhưng tòa không thụ lý vụ án vì không xác định địa chỉ người bị kiện.

Theo phản ánh của một ngân hàng, có cho một DN vay hơn 100 tỷ đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ, khách hàng đã thế chấp cho ngân hàng này các tài sản gồm: 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, 2 xe ô tô, 68 thiết bị máy móc và hàng tồn kho, hàng tồn kho luân chuyển là hạt nhựa công nghiệp và khoản phải thu.

Đến tháng 10/2012, khách hàng phát sinh nợ quá hạn, ngân hàng đã nhiều lần thông báo yêu cầu khách trả nợ nhưng khách hàng không có thiện chí trả nợ. Tháng 11/2012, người đại diện theo pháp luật của DN đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, theo xác minh thông tin ngân hàng được biết đối tượng này đã đi sang nước ngoài (Canada).

Ngân hàng này đã tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng nhằm thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, khi ngân hàng và một số nguyên đơn dân sự khác khởi kiện thì được Tòa án hướng dẫn và giải thích đối với trường hợp bị đơn đã bỏ đi khỏi nơi cư trú trước khi Tòa án thụ lý vụ việc thì Tòa án ra quyết định "đình chỉ giải quyết vụ án" theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, trả lại đơn khởi kiện cho ngân hàng với lý do chưa có đủ điều kiện khởi kiện vì một trong các điều kiện là nguyên đơn phải cung cấp được địa chỉ của bị đơn. Vụ việc này gây lo ngại về tiền lệ các vụ việc khó xác định nơi cư trú của khách vay gây thiệt hại cho giới ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN