Những thương vụ thâu tóm đình đám của các “ông lớn” Thái trên đất Việt
Dư luận chưa hết xôn xao về các thương vụ đình đám của những “ông lớn” Thái Lan trên thị trường Việt thì sự kiện tỷ phú giàu nhất Thái Lan mua lại Nguyễn Kim một lần nữa làm nóng lên cuộc đổ bộ ồ ạt của các đại gia này.
Tỷ phú giàu nhất Thái Lan mua lại Nguyễn Kim
Theo thống kê của Forbes vào tháng 4.2014, gia đình Chirathivat sở hữu khối tài sản khoảng 12,7 tỷ USD. Ảnh Fobes
Mặc dù không còn nằm trong danh sách tỷ phú của Forbes, song gia tộc giàu nhất Thái Lan vẫn sở hữu khối tài sản giá trị tới 12.7 tỷ USD.
Theo thông tin chính thức trên trang web của hãng này, họ là một nhà bán lẻ thiết bị điện tử gia dụng hàng đầu Thái Lan, với hơn 80 trung tâm điện máy và trực thuộc Central Group.
Trong báo cáo mới đây gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, công ty Power Buy - một đơn vị thuộc tập đoàn Central Group của gia đình tỷ phú Thái Chirathivat - đã hoàn tất thương vụ mua lại khoảng 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Giá trị thương vụ được cho rằng lên tới 200 triệu USD.
Trước đó, vào tháng 4.2014, khi khai trương trung tâm mua sắm Robin đầu tiên của tập đoàn tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm CEO Central Group - ông Tos Chirativath - từng đánh giá Việt Nam là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng với khoảng 60% trong số 90 triệu dân đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi tiêu cao.
Tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan: “Ông lớn” mua hụt Metro
Theo xếp hạng của Fobes, tính đến tháng 6.2014, ông Dhanin Chearavanont sở hữu khối tài sản 11,5 tỷ USD, đứng thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan Ảnh: Fobes
Ở tuổi 75, tập đoàn Chareon Pokphand Group (C.P Group) do ông Dhanin sở hữu là một trong những tập đoàn nông nghiệp lớn nhất thế giới, trong đó đứng đầu thế giới về thức ăn gia súc.
Tại Việt Nam, CP Group bắt đầu có mặt từ năm 1990 với văn phòng đại diện tại TP.HCM, và nay đã có công ty mang tên Chăn nuôi C.P Việt Nam tại Biên Hòa, Đồng Nai. C.P Việt Nam, hoạt động theo mô hình gồm 3 lĩnh vực khép kín, thường được gọi là 3F, bao gồm: Farm (trang trại) - Feed (thức ăn chăn nuôi) - Food (thực phẩm).
Với lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này đang sở hữu thương hiệu 7-Eleven tại Thái Lan, một mô hình cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng từ thực phẩm, mỹ phẩm đến văn hóa giải trí. Hiện hệ thống 7-Eleven Thái Lan đã có trên 3.000 cửa hàng, đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Cuối năm 2013, lãnh đạo của CP All - đơn vị điều hành 7-Eleven đánh tiếng sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM.
Theo Forbes, trong năm qua, cổ phiếu của các thương hiệu do CP Group nắm luôn tăng trưởng hai con số, như tăng 44% tại 7-Eleven, Charoen Pokphand Foods tăng 28%. Điều này đã hỗ trợ cho khối tài sản của tỷ phú Dhani Chearavanont phát triển.
Trong thương vụ mua lại Metro, theo thông tin trên báo chí quốc tế, vị tỷ phú này cũng đã ngỏ ý mua lại chuỗi bán sỉ tại Việt Nam với giá 500 triệu USD, song đã bị từ chối.
Tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan và chặng đường chiếm lĩnh thị trường Việt
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản ròng vào khoảng 11,3 tỷ USD. Ảnh: Fobes
Theo số liệu của Fobes vào tháng 3.1204, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi là người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản ròng vào khoảng 11,3 tỷ USD. BJC – tập đoàn đã mua lại toàn bộ Metro Cash&Carry Việt Nam – hiện cũng nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú này.
Sau khi thâu tóm những “ông lớn” ở Việt Nam như Melia, Metro, Vinamilk, vào tháng 11.2014, theo Wall Street Journal, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của vị tỷ phú giàu thứ 3 Thái này đã tiếp xúc với cơ quan chức năng Việt Nam để mua cổ phần của Sabeco, doanh nghiệp đồ uống lớn nhất Việt Nam.
Hiện giá trị của Sabeco vào khoảng 2 tỷ USD và hiện do Bộ Công thương sở hữu 89,6% cổ phần. Vấn đề bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đã nhiều lần được đề cập đến nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Wall Street Journal cho biết phía ThaiBev chưa có bình luận gì về thương vụ này. ThaiBev hiện niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore và có vốn hóa thị trường xấp xỉ 15 tỷ USD.
Trước đó, đầu năm 2013, ThaiBev đã giành được quyền kiểm soát Fraser&Neave (F&N), tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore. F&N thông qua công ty con F&N Dairy Investment là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Vinamilk với tỷ lệ sở hữu là 9,5%.
Không lâu sau khi BJC mua xong Metro Việt Nam, F&N đã chi thêm gần 100 triệu USD để mua thêm cổ phiếu Vinamilk và nâng tỷ lệ nắm giữ lên 11%. Hiện lượng cổ phiếu Vinamilk mà F&N nắm giữ có trị giá 540 triệu USD.
Ngoài Vinamilk, F&N còn có rất nhiều khoản đầu tư lớn tại Việt Nam như ở lĩnh vực bất động sản có khách sạn Melia Hanoi, tòa nhà Melinh Point Tower ở TP HCM. Đặc biệt, ở lĩnh vực đồ uống, F&N gián tiếp nắm quyền chi phối ở Nhà máy bia Việt Nam (VBL) sản xuất nhiều sản phẩm như bia Heineken, Tiger, Larue…
Tương tự như ông Dhanin, Charoen cũng mở rộng quy mô thông qua M&A. Trước thương vụ trị giá hơn 800 triệu USD với Metro, Berli Jucker từng hoàn thành nhiều thương vụ khác tại Việt Nam như thâu tóm chuỗi cửa hàng Family Mart, mua lại 75% cổ phần của hãng sản xuất đậu phụ ICHIBAN và 32 triệu USD (hơn 670 tỉ đồng) để mua lại 65% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.