Những thương hiệu Việt bán mình sau nổi danh

Trước khi Phở 24, Tribeco rơi vào tay những ông chủ ngoại, kem đánh răng Dạ Lan hay P/S cũng có chung số phận khi phải đổi quốc tịch.

Những thương hiệu Việt bán mình sau nổi danh - 1

P/S vốn là nhãn hiệu kem đánh răng Việt Nam, xuất hiện từ năm 1975 của Công ty cổ phần P/S. Công ty P/S do hai hãng kem đánh răng nổi tiếng là Hynos và Kolperlon sáp nhập lại, với đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp sản xuất kem đánh răng Phong Lan. Có thời điểm, P/S chiếm tới 60% thị phần, cùng với Dạ Lan trở thành những ông lớn độc chiếm thị trường kem đánh răng Việt.

Năm 1997, Unilever đến Việt Nam và đề nghị hợp tác, thành lập liên doanh, rồi trở thành đơn vị sản xuất bao bì nhựa cho P/S. Khi đó, phía Việt Nam được trả 5 triệu USD, được Unilever tài trợ dàn máy sản xuất ống kem bằng nhựa tổng hợp trị giá 3,3 triệu USD, hơn 500 lao động của công ty được bồi thường 3,5 triệu USD... Sau này, Unilever thuê một đơn vị của Indonesia làm bao bì nhựa, Công ty P/S không còn chỗ đứng trong liên doanh.

Những thương hiệu Việt bán mình sau nổi danh - 2

Vào những năm 1993-1994, Dạ Lan từng là một trong những thương hiệu Việt đình đám, chiếm tới gần 70% thị phần cả nước. Riêng từ Đà Nẵng trở vào, thị phần của hãng chiếm tới 90%, góp phần đánh bật kem đánh răng Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, học theo "người hàng xóm" là P/S, ông Trịnh Thành Nhơn - người tạo ra thương hiệu này - lại bán Dạ Lan cho Colgate Palmolive với giá 3 triệu USD, dù lúc đó thương hiệu này được định giá lên tới trên 20 triệu USD. Dạ Lan sau đó chỉ tồn tại vỏn vẹn 3 tháng trước khi kem Colgate xuất hiện thế chỗ và phát triển cho đến nay.

Những thương hiệu Việt bán mình sau nổi danh - 3

Công ty Bia Huế (Huda) được thành lập vào năm 1990, dưới tên gọi nhà máy Bia Huế. Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều lâm vào tình trạng khó khăn, Bia Huế tìm lối thoát bằng cách liên doanh góp 50% vốn với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) năm 1994. Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm, khi mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Mức giá bán là 1.800 tỷ đồng, trong đó giá trị thương hiệu khoảng 1.100 tỷ đồng còn 700 tỷ đồng là giá trị hữu hình của doanh nghiệp như sản phẩm, lao động, nhân công...

Những thương hiệu Việt bán mình sau nổi danh - 4

Từng chiếm tới 90% thị phần trong nước, nhưng Diana Việt Nam lại bán đi 95% cổ phần cho Unicharm của Nhật trị giá 184 triệu USD, biến công ty này trở thành một doanh nghiệp ngoại.

Những thương hiệu Việt bán mình sau nổi danh - 5

Trước ngày bị Uni-President Việt Nam (công ty mẹ ở Đài Loan) thâu tóm, Tribeco hoạt động được 20 năm, là một trong những thương hiệu nước giải khát mạnh nhất của Việt Nam. Lên sàn vào cuối năm 2001, chính thức liên doanh vào năm 2008, con đường dẫn tới việc giải thể và bị thâu tóm chỉ vỏn vẹn trong chưa đầy 4 năm. Tháng 8/2012, Uni-President - đơn vị nắm 43,6% cổ phần của Tribeco - đã mua lại cổ phần trôi nổi của doanh nghiệp có mức lỗ luy kế trên 300 tỷ đồng với giá bèo. Tribeco chính thức về tay Uni-President.

Những thương hiệu Việt bán mình sau nổi danh - 6

Phở 24, Highlands Coffee từng là thương hiệu Việt khẳng định được tên tuổi trên thị trường, nhưng chính họ lại thâu tóm nhau để rồi bán mình cho đại gia Jollibee Food Corp của Philippines. Thực tế, Phở 24, Highlands Coffee là bước đệm để Jollibee đặt mục tiêu trở thành chuỗi cửa hàng số 1 tại châu Á và có tên trong danh sách những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Minh (Zing.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN